Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Kỹ thuật nuôi tằm không cần nong

Trước kia kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm của người dân còn lạc hậu khi chỉ nuôi 1 giai đoạn, bây giờ sẽ nuôi được 2 giai đoạn với công nghệ nuôi tằm dưới nền nhà đem hiệu quả hơn so với nuôi tằm trên nong.

Thay đổi tập quán nuôi cũ, áp dụng kỹ thuật mới, đảm bảo được đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập so với cây trồng khác… là những điểm nổi bật mà Cty TNHH Hoàng Mai NMC đã mang lại cho nông dân trồng dâu nuôi tằm ở xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa).

Ông Nguyễn Hoàng ở thôn 4, xã Diên Đồng cho biết: “Gia đình tôi theo nghề trồng mía 20 năm nay. Thu nhập từ cây mía không dư dả gì nhiều. Vào tháng 10/2015, sau khi được anh Trịnh Quốc Hùng, GĐ Cty TNHH Hoàng Mai NMC giới thiệu kỹ thuật mới về nghề trồng dâu nuôi tằm, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi gần 4.000 m2 từ trồng mía sang trồng cây dâu.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi tằm đạt hiệu quả cao

Kỹ thuật nuôi tằm không cần nong

Theo hướng dẫn cụ thể của Cty từ khâu làm đất, trồng cây, nuôi tằm… đến nay sau 3 đợt thu hoạch, nghề trồng dâu nuôi tằm đã cho thu nhập thường xuyên và hiệu quả hơn. Mới tháng trước gia đình tôi nuôi được 51 kg kén, sau 15 ngày nuôi tôi bán cho Cty được 5,6 triệu đồng, tính tổng chi phí lời trên 60%”.

Ông Hoàng cho biết thêm, năm ngoái ở xã Diên Đồng đã có 4 hộ dân ký hợp đồng liên kết với công ty để nhận chuyển giao kỹ thuật mới với tổng diện tích chuyển đổi trên 1ha. Đến nay các hộ này đều có thu nhập ổn định. Với hiệu quả kinh tế như vây, sắp tới gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng dâu...".

Để tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật mới trong nghề trồng dâu nuôi tằm, chúng tôi đã tìm gặp ông Trịnh Quốc Hùng. Trò chuyện trong lúc ông đang giới thiệu với nông dân xã Diên Đồng về hiệu quả của việc trồng dâu nuôi tằm theo công nghệ mới, ông cho biết, với gần 15 năm kinh nghiệm trong nghề trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng, ông nhận thấy khí hậu, đất đai ở Khánh Hòa rất phù hợp với nghề này. Trước đây ngành trồng dâu nuôi tằm ở một số địa phương gặp thất bại vì một số lý do như kỹ thuật, giống, đầu ra… nhưng nay với kỹ thuật mới, đầu ra được Cty đảm bảo thì bà con nên yên tâm nuôi trở lại.

Ông Hùng chia sẻ, trước kia kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm của người dân còn lạc hậu khi chỉ nuôi 1 giai đoạn, bây giờ sẽ nuôi được 2 giai đoạn với công nghệ nuôi tằm dưới nền nhà đem hiệu quả hơn so với nuôi tằm trên nong.

Ngoài ra, kỹ thuật thu hoạch kén bằng né truyền thống đã được thay đổi theo thu hoạch bằng né công nghệ mới cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng kỹ thuật mới nên số bữa cho tằm ăn giảm chỉ còn 4 lần/ngày, có thể cắt cả cành dâu rải cho tằm ăn mà không phải vặt từng lá như trước đây…

Về vấn đề chất lượng giống, Cty đã phải mất 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm để có được những cây dâu trồng hiệu quả cho năng suất cao như hiện nay, trước kia khi đưa các giống dâu từ Lâm Đồng xuống đây trồng thử đều không được. Đến nay, đã có nhiều giống dâu tốt được tuyển ở Lâm Đồng đưa về trồng như giống dâu S7CB và VA201. Bên cạnh đó giống tằm khi đem về nuôi rất phù hợp với khí hậu ở Khánh Hòa. Do thời tiết ở Lâm Đồng và Khánh Hòa khác nhau nên dễ bổ sung nguồn hàng cho nhau.

Đối với đầu ra, ngày nay công nghệ bảo quản kén giữ được lâu hơn trước nên việc di chuyển phân phối cho đối tác không còn gặp khó khăn. Hiện, Cty Hoàng Mai đang trồng được 10ha dâu và liên kết với người dân địa phương SX trên 1ha, sau đó Cty đứng ra thu mua kén để phân phối cho các nhà ươm tơ ở Lâm Đồng.

Đến nay nhiều Cty ở Lâm Đồng vẫn đang nhập kén từ nước ngoài về để SX tơ rồi lại xuất sang Nhật và các nước Trung Đông, nguồn cung kén của cả nước hiện chỉ đáp ứng được 1/20 công suất hoạt động của các nhà máy này nên tiềm năng trong nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn rất lớn.

Theo ông Hùng, hiện giá kén trên thị trường là 110.000 đồng/kg, Cty ký hợp đồng thu mua tất cả sản phẩm của những hộ dân đã được đơn vị chuyển giao công nghệ và kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm theo giá thị trường. Nếu 1 hộ dân trồng dâu bình thường sau 7 tháng sẽ cho thu hoạch, với 1ha trồng dâu theo kỹ thuật mới sẽ thu được từ 50 - 80 tấn lá, trong khi đó chỉ khoảng 12 - 13 kg lá dâu sẽ cho ra được 1 kg kén. Với giá kén trên thị trường hiện tại nếu trừ tất cả chi phí thì sẽ cho người dân thu nhập từ 400 - 600 triệu/ha.

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng