Sau nhiều năm bôn ba với nghề thợ hồ, năm 2006, ông Trần Văn Công (56 tuổi) ở ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh quyết định về nhà trồng gừng. “Tôi lớn tuổi rồi, ra ngoài làm mướn không bằng tụi trẻ” – ông Công tâm sự.
Xem thêm: >>> Người trồng gừng khốn đốn ôm cục nợ vì sao?
Ông chọn miếng đất bên hông nhà khoảng 100m2, làm đất kỹ lưỡng và lên liếp trồng gừng. Do chưa có kinh nghiệm, cộng với đất ở đây thường ẩm ướt, nên gừng hay bị thối củ, năng suất không cao. Những lần ông đốt rác, rồi cho vào trong bao bỏ trong góc vườn. Thấy đất tốt, ông trồng thử vài gốc gừng, thu hoạch, gừng cho năng suất cao hơn trồng trên liếp. Ông nảy ra sáng kiến trồng gừng trong bao.
Từ phân rác, ông chế công thức pha trộn đất để trồng gừng. Năm 2007, ông san bằng mặt liếp, đến các công trường xin bao xi măng về may thành các túi nhỏ, cho đất trồng 1.000 gốc gừng. Sau 6 tháng, ông thu được trên 2.000kg gừng củ, với giá gừng 40.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi gần 80 triệu đồng. Ông cho biết, 2 năm ông trồng 3 vụ gừng, trừ chi phí, mỗi năm ông bỏ túi trên 100 triệu đồng.
Ông Trần Văn Công chăm sóc gừng.
Theo ông Công, ưu điểm của trồng gừng trong bao là đất không ẩm ướt, nên củ gừng không bị thối, không bị rễ các cây khác chèn vào, vì vậy năng suất mỗi gốc từ 2-3kg củ, trong khi trồng trên liếp, mỗi gốc cho khoảng 1,5kg củ. Mặt khác, trồng gừng trong bao dễ chăm sóc, di dời và dễ thu hoạch.
Thành công với cây gừng, năm 2010, ông thử nghiệm trồng 17 gốc khoai môn củ trong bao. Kết quả, khoai môn trồng trong bao củ to hơn, năng suất mỗi bao từ 2,7- 3kg củ, còn trồng trên liếp mỗi gốc chỉ cho 1,5-2kg củ. Năm 2011, ông quyết định trồng thêm 100 gốc khoai môn trong bao.
Ông Công dự định, cuối năm, ông mở rộng thêm diện tích trồng gừng, khoai môn và mua lưới để che vườn gừng. Ông chia sẻ, theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu cây gừng được che mưa, che nắng, năng suất sẽ cao hơn.