– Các giống bí đao:
Bí đao có nhiều chủng loại. Các loại bí thường trồng là:
+ Bí trạch:
Quả thon nhỏ, trọng lượng trung bình mỗi quả là 5 – 7 kg. Quả có cùi dày, đặc ruột, thịt quả có tỷ lệ nước ít, ăn đậm, ngọt, có thể bảo quản được lâu.
+ Bí bầu:
Quả cong dài, trọng lượng mỗi quả là 8 – 12 kg. Quả có cùi mỏng, ruột xốp. Thịt quả có tỷ lệ nước cao, ăn có vị chua. Loại bí này này có năng suất cao nhưng khả năng bảo quản và vận chuyển kém.
+ Bí lông:
Quả thẳng dài, quả to như quả bí bầu, năng suất cao. Cây có đặc tính chống chịu sâu rầy khá. Bí lông có đặc điểm là chín sớm. Sau khi gieo một tháng cây cao 50 – 60cm. Từ lá thứ 6 – 7 đã có quả, sau đó cứ 3 – 4 lá lại có quả. Quả nhiều, mỗi cây có 3 – 5 quả, trung bình mỗi quả nặng 2 – 5kg.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng cây bầu đơn giản, nhiều quả nhất
– Mùa vụ:
+ Vụ thu: Gieo từ 20 tháng 8 đến mùng 5 tháng 10.
+ Vụ đông xuân: Gieo mùng 1 tháng 12 đến 15 tháng 2 năm sau.
– Điều kiện môi trường thích hợp với bí đao:
Đặc điểm của bí đao là thân lá phát triển mạnh, nhiều nhánh, phân nhánh đến cấp 4 – 5. Rễ rất phát triển và thường ăn rộng ra xung quanh. Trên các đốt thân có thể ra rễ bất định.
Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng là 20 – 30°C. Cây ưa ánh sáng mạnh, ở nhiệt độ thấp, trời âm u cây dễ bị rụng hoa, rụng quả
Bí đao là cây ưa ẩm thuộc họ bầu bí. Hạt có thể nảy mầm ở nhiệt độ 10 – 15°C nhưng tốt nhất là 25°C. Ở giai đoạn cây con (vườn ươm), yêu cầu nhiệt độ thấp hơn, khoảng từ 20 – 22°C. Để quả có thể phát triển bình thường thì cần giảm cưòng độ ánh sáng (vừa phải).
Bí đao có khả năng chịu hanh nhờ hệ rễ khá phát triển. Thời kỳ cây con đến ra hoa cần yêu cầu độ ẩm đất 65 – 70%, thời kỳ ra hoa kết quả cần độ ẩm đất 70 – 80 %. Bí đao chịu úng kém, thời kỳ phát dục ra hoa kết quả gặp độ ẩm lớn do mưa hoặc tưới không hợp lý sẽ gây vàng lá, rụng hoa, rụng quả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.
Bí đao có thể sinh trưởng và phát triển ở vùng đất thịt vừa, hơi nặng song tốt nhất ở trên đất thịt nhẹ và phù sa, pH thích hợp 6,5 – 8,0.
– Cách trồng:
+ Lượng hạt cần gieo cho 1ha khoảng 0,9 – 1,1kg. Hạt nên ngâm trước từ 4 – 6 giờ rồi đem gieo.
+ Gieo hạt trên luống, phủ hạt bằng lớp đất bột mỏng, không nên phủ quá dày, hạt không đội lên được. Khi cây mọc được 7 – 8 ngày (2 lá mầm rõ) có thể sang bầu, kích thước bầu 7 X 10cm, để đến khi cây có 2 – 3 lá thật thì đem trồng là tốt nhất (Bầu to 10 X 15cm có thể để cây đến 4 – 5 lá thật mới đưa ra trồng).
+ Trồng bầu để tranh thủ thời gian và dễ chăm sóc cây con, đất làm bầu là đất hỗn hợp đất bột + phân mục theo tỷ lệ 1:1.
+ Nếu làm dàn nên trồng luống rộng: 1,5 – 2,0m, khoảng cách trồng 40 – 50 X 80cm, cây cách cây 40 – 50cm và hàng cách hàng 80cm. Nếu không làm dàn (cây bò trên mặt luống) lên luống rộng trên 3,5m, trồng 2 hàng giữa luống, khoảng cách trồng cây cách cây là 40 – 50cm, hàng trồng cách mép luống 15 – 20cm vì vậy hàng cách hàng là 2,5 – 3m.
*Chú ý nếu trồng bí bò cần có rơm, rạ phủ mặt luống cho bí bò và đỡ quả.
– Bón phân:
+ Phân chuồng cần: 800 – l000kg/sào.
+ Đạm urê: 10 – 12kg/sào.
+ Super lân: 15 – 18kg/sào.
+ Kali: 10 – 12kg/sào.
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + Lân + 1/4 Kali +1/4 đạm.
+ Thúc lần 1: Khi cây bắt đầu leo hoặc ngả ngọn bò (Sau khi cây mọc 30 – 40 ngày) bón 1/4 Kali, 1/4 Đạm.
+ Thúc lần 2: Sau khi cây ra quả rộ, bón 1/3 Kali + 1/3 Đạm.
+ Số phân còn lại hòa với nước phân chuồng loãng dùng để tưới khi thấy cây sinh trưởng, phát triển kém.
– Các biện pháp chăm sóc khác:
Vun lần 1 kết hợp với bón thúc khi cây 30 – 40 ngày, vun lần 2 kết hợp với bón thúc khi cây ra hoa rộ (55 – 65 ngày sau trồng). Bí xanh ra nhiều nhánh, mỗi cây cần để 1 – 2 nhánh, mỗi nhánh cho đậu 1 – 2 quả, sau khi quả đậu 5 – 10 ngày có thể định quả sao cho mỗi gốc cây chỉ để 1 – 2 quả.
Nếu để bí bò, khi cây dài 60 – 70cm, dùng dây ny-long cố định dây khỏi gió lật và tạo điều kiện ra rễ phụ (bất định) tăng khả năng hút chất dinh dưỡng cho cây.
Khi cây có 2 lá thật, xới phá váng, kết hợp bón thúc bằng cách pha phân đạm loãng 3 – 5% (25% đạm) tưới rồi vun nhẹ cho cây. Bón thúc lần 2 cây có 5 – 6 lá thật, xới rộng, sâu kết hợp bón thúc 25% đạm + 25% kali cho cây. Bón thúc lần 3 khi chuẩn bị làm giàn bón tiếp lượng phân còn lại. Đối với bí không làm giàn, không che màng phủ nông nghiệp, xới xáo toàn bộ mặt luống, làm cỏ, bón thúc hết phân hóa học, tưới đẫm rồi trải rạ. Khi cây bí dài 1m trở lên thì cho leo giàn. Khi dây dài 50cm, dùng đất chặn ngang đốt, cách 1 – 2 đốt lại chặn để tranh thủ cho cây bí ra rễ bất định, tăng khả năng hút chất dinh dưỡng nuôi quả sau này, cứ 3 – 4 ngày lại chặn 1 lần, phải hướng ngọn bí ở hốc này bò sang hốc kia, sau đó mới nương dây cho leo giàn. Khi dây leo cần để dây ở tư thế tự nhiên, không lật úp hoặc vặn dây. Dùng rơm rạ, dây chuối buộc ngọn vào giàn. Chú ý buộc ở phía nách lá. Bắt dây chéo chữ chi cho đều giàn và khỏi che rợp hoa quả. Giàn cắm chéo như mái nhà để tranh thủ không gian, tận dụng hợp lý ánh sáng. Mỗi cây để 2 – 3 nhánh chính, mỗi nhánh để 2 – 3 quả. Đặt cho cuống quả nằm đúng vào chỗ giao nhau của 2 cây để khi quả lớn không xô dây, tụt giàn.
Cần sử dụng nước sạch như nước giếng khoan, ao hồ, sông ngòi chưa bị ô nhiễm để tưói cho cây bí. Từ cây con đến ra hoa bí cần độ ẩm 60 – 70%. Từ ra hoa đến kết quả cần độ ẩm 70 – 80%.
Khi thân cây bí bò ra dài 50cm, thì lấy đất lấp lên ở vị trí các đốt. Cứ cách 1 – 2 đốt lại lấp chặn lên một đốt để cây ra nhiều rễ bất định, hướng cho ngọn bí bò từ hốc này qua hốc kia. Sau đó mới nương dây cho bí bò lên giàn. Dùng lạt mềm buộc thân bí vào giàn, buộc ở vị trí dưới nách lá. Giàn cắm chéo như mái nhà. Số lượng cây cắm giàn cần cho 100m2 là 300 – 350 cây sặt cùng với 3 – 4 cây tre hoặc nứa.
Đối với bí chiêm, do trồng trong mùa mưa bão nên cần chú ý thoát nước kịp thời, làm giàn thấp và vững chắc.
Mỗi dây bí chỉ để hai nhánh chính. Trong giai đoạn ra hoa, ra quả rộ, cần bấm bớt ngọn và hoa đực. Cần chú ý điều chỉnh cho cuống quả bí nằm vào chỗ 2 cây sặt giao nhau. Trường hợp không làm được giàn để quả bí nằm dài trên mặt đất cần phải lót rơm rạ để đỡ quả.
Bí xanh ra nhánh khỏe, tiêu hao nhiều chất dinh dưỡng không có lợi cho quá trình sinh trưởng và phát triển của quả, do vậy cần ngắt nhánh kịp thời, chỉ để lại ở mỗi dây bí một đến hai nhánh.
Ngoài ra, đối với bí xanh loại quả to, khi quả đã lớn nặng 1 – 2kg cần phải gác quả hoặc treo quả lên giàn, đề phòng gãy cuống rụng quả.
– Phòng trừ sâu bệnh:
Bí xanh ít phải phun thuốc. Khi cây có 2 – 10 lá, giai đoạn này cây non, mềm thường bị sâu xanh, rệp phá hoại. Dùng Ofatox 0,1% hoặc dùng Oncol 20EC phun cho cây. Cây bị bệnh sương mai dùng Kasuzan, Zineb 80 WP, bệnh phấn trắng dùng Bavistyl nồng độ 0,25% phun cho cây.