Do đó việc trồng đúng kỹ thuật, tránh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón có ý nghĩa quan trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành BVTV Hà Nội khuyến cáo thời vụ thích hợp cho cây dưa chuột vụ thu đông là gieo từ tháng 9 đến đầu tháng 10.
>>> Tham khảo kỹ thuật trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGap
>>> Cách trồng cà chua trong thùng xốp
Người dân cần sử dụng các giống chất lượng cao được cung ứng từ các công ty có uy tín và một số giống địa phương trong nước. Lượng hạt giống 850-900g/ha. Trước khi gieo phải dọn sạch Cỏ và tàn dư thực vật; làm đất kỹ, tơi nhỏ; lên luống cao 25-30cm, mặt luống rộng 1,2-1,4m, bằng phẳng dễ thoát nước để tránh ngập úng khi gặp mưa. Về xử lý hạt giống trước khi gieo: Ngâm nước ấm 35-40oC trong 3 giờ, sau đó ủ ở nhiệt độ 27-30oC cho đến khi hạt nứt nanh; mỗi luống gieo 2 hàng, theo phương pháp bổ hốc hoặc gieo theo rãnh với mật độ hàng cách hàng 60-70cm, cây cách cây 35-40cm; nên gieo 2 hạt/hốc, khi cây được 2-3 lá thì tỉa bỏ bớt 1 cây xấu.
Sau khi trồng, mỗi ngày nên tưới 2 lần. Khi cây mọc 3-4 lá, 1-2 ngày tưới một lần; giai đoạn nở hoa và trong khi thu hoạch quả luôn giữ độ ẩm đất 80-85% (có thể tưới rãnh cho cây, khi đủ ẩm phải tháo hết nước). Khi cây có tua cuốn, tiến hành làm giàn theo hình chữ A. Trong các đợt bón thúc, làm cỏ cần kết hợp cắt tỉa lá già, lá bị Bệnh giả sương mai, riêng lá bị dòi đục hại nặng đem tiêu hủy.
Đối với cây dưa chuột chỉ nên sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi, nước giải tươi để bón và tưới cho rau; đồng thời bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học; chú ý các đối tượng sâu bệnh là bệnh đốm phấn vàng, bệnh phấn trắng, dòi đục lá, bọ trĩ và sâu xanh sọc dưa.
Dưa chuột là cây cho thu hái liên tục (1-2 ngày/lần), do vậy không nên sử dụng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh ở giai đoạn quả. Nông dân sử dụng các loại thuốc thảo mộc, nguồn gốc sinh học và hóa học thế hệ mới khi sâu bệnh phát sinh gây hại với mật độ cao; nên chọn các loại đất luân canh với cây trồng khác như lúa nước và các cây trồng cạn khác họ bầu bí nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển tiếp; dùng biện pháp thủ công như: Bắt giết sâu non, ngắt lá bị dòi đục, rệp hại nặng đem tiêu hủy.
Riêng bệnh đốm phấn vàng phát sinh từ các lá gốc rồi lan dần lên các lá phía trên, từ khi bệnh phát sinh, có thể tiến hành ngắt lá bệnh từ gốc lên định kỳ 5-7 ngày/lần, vừa tạo độ thông thoáng cho ruộng, vừa hạn chế tốc độ phát sinh của bệnh.