Không được đào tạo qua trường lớp về thủy sản, nhưng nông dân Nguyễn Hữu Doan vẫn khởi nghiệp thành công từ nghề nuôi cá nước ngọt. Đến nay trung bình mỗi năm gia đình anh Doan đã sản xuất cung ứng ra thị trường được 7 triệu con cá giống và 150 tấn cá thịt các loại, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng, lợi nhuận trên dưới 1 tỷ đồng, tùy theo năm. Dự kiến tới năm 2020, toàn bộ số ao trong kế hoạch đưa vào vận hành, thì thu nhập từ nghề nuôi cá của gia đình anh Doan sẽ cao hơn gấp bội.
>>> Xem thêm: Thu tiền tỉ từ liên kết “Nuôi cá chép lai thâm canh”
Hướng dẫn chúng tôi đi thăm khắp trang trại nuôi cá của gia đình, anh Doan cho biết: Cơ duyên dẫn anh đến nghề nuôi cá là do những năm tháng tuổi thơ nghèo khó, phải theo bố mẹ đi đánh bắt thủy sản tự nhiên, anh đã nắm bắt được tập tính sinh sống của nhiều loại cá nước ngọt. Vì vậy ngay sau lập gia đình, tách ra sống độc lập (năm 2000), anh đã quyết định mở nghề chăn nuôi canh cá. Bằng cách cải tạo 1.800m2 ruộng trũng thành các ao nuôi thả cả, theo hướng lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, chủ yếu nuôi các giống trắm cỏ, rô phi và chép lai V1.
Theo anh Doan, rô phi và cá trắm cỏ là những loài phàm ăn, tăng trọng nhanh, chống chịu tốt với các điều kiện bất thuận, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi đi thu lượm các phụ phẩm nông nghiệp (rau bèo, cỏ, thân chuối tây) làm thức ăn cho cá, theo hướng lấy công làm lãi, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất.
Nhờ nhiều cách làm căn cơ nói trên, chỉ sau 5 năm nuôi thả cá, vợ chồng anh Doan đã có vốn, thuê nhượng thêm các chân ruộng trũng, mở rộng diện tích ao nuôi cá lên 5.400m2. Cứ từng bước tích lũy mở rộng diện tích sản xuất như vậy, đến năm 2015 gia đình anh Doan đã mở rộng được diện tích các ao nuôi tới 11ha, bao gồm 8,5ha ao chuyên nuôi cá thịt và 2,5ha ao nhân nuôi cá giống.
Tham quan thực tế khắp trang trại chúng tôi thấy, tất cả các ao nuôi và nhân giống cá, đều được anh Doan đầu tư xây dựng rất bài bản khoa học. Thành bờ ao được kè cứng xây cao. Mặt ao luôn thoáng đãng. Hệ thống điện lưới được xây lắp đồng bộ. Các phương tiện cơ giới có thể lưu thông dễ dàng tới các ao.
Nhìn nhận lại suốt quá trình chăn nuôi cá của mình, anh Doan cho rằng: Để có thể phát triển làm giàu bằng nghề nuôi thủy sản, chủ đầu tư chỉ có bề dày kinh nghiệm chăn nuôi cá là chưa đủ, phải cần thêm kỹ năng điều hành quản trị trang trại, và biết vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm nuôi cá có được vào thực tế sản xuất.
Chẳng hạn, khi nuôi cá ở qui mô nhỏ lẻ dưới 1ha, có thể kết hợp làm vườn trồng cây ăn quả, theo hướng lấy ngắn nuôi dài, nhưng chăn nuôi cá ở qui mô lớn từ 5 - 7ha trở lên, không nhất thiết phải kết hợp với làm vườn, diện tích ao càng rộng càng nổi, càng có nhiều nắng gió và sóng nước tự nhiên, cá càng tăng trọng nhanh. Nên tránh nuôi thả cá ở các ao có nhà cửa, vườn cây chắn hướng gió đông nam nơi đầu ao.
Với ao cá nuôi thâm canh lâu năm có thể không cần làm màu nước trước khi thả cá giống. Phải chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho ao cá từ xa. Theo dõi sức khỏe cá nuôi từng giờ, nhất là vào thời gian cho cá ăn, trước khi thời tiết giao mùa và các ngày có nắng nóng, giá rét cực đoan.
Cần đầu tư và có dự phòng đồng bộ các trang thiết bị phục vụ nuôi cá, như máy phát điện, máy quạt nước, sục khí, tạo sóng và máy cho cá ăn, để giảm công lao động, tránh các sự cố rủi ro bất thường.
Công tác qui hoạch và quản lý, điều hành sản xuất cần cụ thể tới từng chi tiết. Thao tác kỹ thuật của người lao động phải thật chính xác, để tránh phải sửa sai làm lại, sẽ tăng chi phí công lao động và kinh phí đầu tư. Đơn cử như khi xây kè thành bờ ao, nếu xử lý nền móng không tốt, xây kè bờ không có cốt (cọc tre/cọc bê tông), thì chỉ 4 - 5 năm sau sẽ bị sụt lún gẫy vỡ, phải làm lại. Nhưng nếu thành bờ ao làm nền móng vững chắc, có cọc tre/cọc bê tông làm điểm tựa chắc chắn, thì sau 20 năm mới phải đầu tư làm lại, tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.
Nhờ cách vận trù điều hành sản xuất nói trên, cả hệ thống 11 ha các ao nuôi và nhân giống cá các loại, anh Doan chỉ cần thuê mượn thêm 3 lao động thường xuyên, vẫn đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất hàng năm.