Nhiều lợi ích
Là 1 trong 14 hộ tham gia vào mô hình nuôi gà ATSH, anh Nguyễn Viết Nhã ở thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm cho biết: Nuôi gà thả vườn theo hướng mới này có thể tận dụng được diện tích mặt đất của vườn cây ăn quả, hơn nữa gà có thể giúp bắt sâu cho cây trồng, phân gà dùng để bón cho cây.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi gà thả vườn từ A - Z
Theo anh Nhã, kỹ thuật chăm sóc gà thả vườn rất đơn giản, gà ít bị bệnh nên giảm được chi phí thuốc thú y. Trong khoảng 2 tháng đầu anh sẽ cho gà ăn cám tổng hợp, sau đó thay thế hoàn toàn bằng cám ngô, cám gạo. Vì vậy, thịt gà dai, ngon, giá thành cũng cao hơn các loại gà khác từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
“Lứa đầu tiên gia đình tôi nuôi 1.000 con gà, với giá bán 150.000 đồng/kg, sau 4 tháng chăm sóc tôi thu lãi 100 triệu đồng. Từ thành công của lứa đầu, hiện tôi tiếp tục phát triển đàn lên hàng nghìn con để tăng thu nhập cho gia đình. Nuôi gà theo hướng ATSH, đàn gà vừa lớn nhanh, ít dịch bệnh, chất lượng thịt lại thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng” - anh Nhã nói.
Được biết, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình nuôi gà thả vườn ATSH tại huyện Quốc Oai. Thông qua mô hình đã giúp nông dân thay đổi từ phương thức nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng ATSH, cho giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (ở thôn Đông Hạ, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) là một trong những hộ tham gia mô hình và đã thu kết quả khả quan. Từ tháng 6.2017, gia đình ông Thắng được trung tâm hỗ trợ 400 con gà giống ri lai mía. Nhờ tuân thủ theo đúng quy trình nuôi sinh học nên đàn gà khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao.
"Mừng nhất là giống gà này có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống gà tại địa phương như lông mượt, mào đẹp, tỷ lệ gà trống đạt 70% nên được thương lái ưa chuộng, giá xuất bán cũng cao hơn so với gà đại trà từ 5.000 – 7.000 đồng/kg. Với giá bán trung bình từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, mỗi lứa gà gia đình tôi thu lợi nhuận trên 20 triệu đồng" - ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, khi tham gia mô hình nuôi gà ATSH, các hộ dân được trung tâm hỗ trợ 100% (tương đương 3.000 con) giống gà ri lai mía 1 ngày tuổi đã được tiêm vaccine phòng bệnh theo đúng quy định và 2.000kg thức ăn. Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, các hộ tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu xử lý chuồng nuôi, sử dụng đệm lót sinh học, phòng bệnh cho gà bằng thảo dược như tỏi, bồ kết… để tạo ra sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Từ thành công của mô hình điểm, phong trào nuôi gà ri lai thả vườn đã phát triển rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn TP.Hà Nội. Chỉ tính riêng tại Quốc Oai, có những xã hầu như 100% số hộ triển khai mô hình này. Mô hình cũng là tiền đề thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân, chuyển dần từ cách chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi theo hướng ATSH với quy mô đàn lớn.
Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho hay: Từ thành công bước đầu, năm 2018, trung tâm tiếp tục nhân rộng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn tại các huyện với quy mô 100.000 con gà giống. Khảo sát tại các điểm thực hiện cho thấy, gà khỏe mạnh, đều con, sinh trưởng tốt.
"Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gà thả vườn với các giống gà thả vườn chủ yếu như: Gà lông màu, gà Đông Tảo, gà Đông Tảo lai, gà ri, gà ri lai, gà mía, gà mía lai… việc triển khai mô hình nuôi theo hình thức thả vườn sẽ tận dụng thức ăn từ tự nhiên hoặc phụ phẩm nông nghiệp như ngô, cám, rau xanh, nên chất lượng thịt thơm, ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao" - bà Hương khẳng định.
Theo bà Hương, mặc dù chăn nuôi gà thả vườn đang phát triển mạnh, chiếm gần 60% tổng đàn gà của thành phố, song hiện nay, hình thức nuôi vẫn nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều chuỗi liên kết. Do đó, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã tham mưu và đề xuất với Sở NNPTNT Hà Nội trong thời gian tới, tăng cường phối hợp với các đơn vị chọn lọc đàn gà giống gốc sản xuất giống bố mẹ và thương phẩm phục vụ chăn nuôi.
Đồng thời, phát triển chuỗi và liên kết chuỗi gắn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gà trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Cùng với đó, sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể của từng chuỗi liên kết đối với chăn nuôi và định hướng thị trường cho các chuỗi phù hợp với năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường.