Loại cá ăn bổ như 'nhân sâm nước' nuôi kiểu công nghệ cao, nông dân Tây Ninh lãi lớn

Thứ 4, 18/10/2023 | 10:52 GMT+7

Tận dụng nguồn nước sạch từ kênh thủy lợi, mô hình nuôi cá chạch lấu ứng dụng công nghệ cao đang mở ra hướng đi triển vọng cho nuôi trồng thủy sản ở Tây Ninh.

>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi cá Chạch lấu thương phẩm trong ao đất 

Nuôi cá chạch lấu bằng công nghệ cao

Vùng đất thuộc phường Tân Bình (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) có nguồn nước sạch dồi dào nhờ gần kênh thủy lợi TN11.

Mong muốn làm giàu từ lợi thế địa phương, năm 2018, anh Nguyễn Phúc Mến bỏ nghề kỹ sư cơ khí, chuyển sang nghề nuôi thủy sản.

Lặn lội tìm mô hình khắp các tỉnh miền Tây, anh đặc biệt ấn tượng với nghề nuôi cá chạch lấu theo phương pháp nuôi công nghiệp ở Hậu Giang.

Nhờ kiến thức cơ khí sẵn có cùng với kinh nghiệm học được, anh đầu tư vốn nuôi cá chạch trong ao nổi.

Anh cho biết, nuôi ao nổi có nhiều ưu điểm: Người nuôi có thể quản lý được lượng thức ăn và kiểm soát dịch bệnh; tỷ lệ thả nuôi trong ao nổi cũng cao hơn.

Ao đất nuôi bình quân 5-10 con/m2 thì ao nổi nuôi được từ 30-40 con/m2.

Cá chạch lấu của anh Nguyễn Phúc Mến, nông dân phường Tân Bình (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) được nuôi trên mặt ao nổi, lót bạt. Ảnh: X.V

>>> Xem thêm: Những lưu ý nuôi ghép cua đồng và cá chạch đồng

Trong ao, anh lót bạt HDFE tránh làm da cá trầy xước, gây tổn thương, viêm loét cho cá. Đồng thời, anh đầu tư hệ thống ao lắng kết hợp xử lý nước trước khi cho vào ao.

Hệ thống cánh quạt được lắp đặt, tăng cường oxy giúp tỷ lệ cá sống đạt trên 99%.

Từ 4 ao ban đầu, hiện anh Mến sở hữu gần 20 ao nổi, trong đó có 10 ao cá thương phẩm, 5 ao cá giống và các ao lắng, với tổng số hơn 500.000 con. Hiện giá cá anh Mến ổn định từ 200.000-260.000 đồng/kg. Anh dự kiến lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/10.000 con.

Theo anh Mến, cá chạch lấu không khó nuôi, chỉ cần nguồn nước đảm bảo, giảm hao hụt đầu con sẽ đảm bảo có lời. Tuy nhiên, chi phí đầu tư khá lớn: "Bình quân đầu tư 1ha nuôi khoảng 1,5-2 tỷ đồng. Do đó, trước khi nuôi, bà con cần tính toán kỹ" - anh Mến chia sẻ.

Cần có kế hoạch đầu tư phù hợp

Tại xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên), ông Nguyễn Văn Giàu cũng đầu tư nuôi cá chạch lấu từ năm 2017.

Toàn bộ ao nổi và bờ bao của ông Giàu cũng được lót bằng bạt nhựa dày. Bên trong ao có hệ thống quạt để tạo dòng chảy và tăng lượng oxy hoà tan trong nước.

Mỗi tuần, ông Giàu thay nước ao nuôi cá một lần, thường xuyên mở máy quạt nước trong ao và chăm sóc đàn cá cẩn thận.

Cá càng nuôi lâu thì thì trọng lượng càng lớn, và giá bán cao hơn. Tuy nhiên, vốn đầu tư cũng là vấn đề mà ông Giàu lưu ý. Với số vốn ban đầu khoảng 60 triệu đồng, ông chỉ nuôi hơn 1.000m2.

Năm 2022, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, ông mới vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng thêm 4 ao để nuôi, và nhân giống thêm cá bố mẹ.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, điều kiện thời tiết, địa hình và nguồn nước ở địa phương là tiềm năng thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản. Việc phát triển các mô hình nuôi, trong đó có nuôi cá chạch lấu là định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh.

Ông Hà Thanh Tùng - Giám Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, mô hình nuôi cá chạch lấu công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn nhiều loại vật nuôi khác.

Mô hình nuôi cá chạch lấu áp dụng công nghệ cao có khả năng nhân rộng để phát huy lợi thế về nguồn nước, lại phù hợp với những hộ dân có ít diện tích sản xuất.

"Tuy nhiên, để thành công với cá chạch lấu, người nuôi cần có kế hoạch đầu tư phù hợp. Bởi vì đây là mô hình đòi hỏi vốn lớn và kỹ thuật nuôi bài bản" - ông Tùng nhấn mạnh.

"Trung tâm Khuyến nông đang xem xét đưa mô hình nuôi cá chạch lấu trên ao nổi làm điểm để xây dựng dự án Khuyến nông Quốc gia nhằm đưa loại thủy sản này trở thành chủ lực của đất Tây Ninh".

Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh

 

 

Theo Dân Việt

 

Chia sẻ

Nông dân làm giàu

Nông dân làm giàu


TOP VIEW