Vì sinh kế khó khăn nên sau khi lập gia đình, anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ tại thôn Tam Hiệp, Bình Thành phải bôn ba nơi đất khách quê người. Ròng rã 10 năm trời, anh làm thuê ở Lào và Thái Lan với đủ mọi công việc. Thời gian đó cũng là lúc người con xứ Huế trăn trở phương kế làm ăn, những mong trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình và phát triển kinh tế lâu dài.
>>> Xem thêm: Thu tiền tỷ mỗi năm từ chăn nuôi, trồng trọt của cựu chiến binh
Chiếc máy ấp trứng giúp anh Nguyễn Văn Hùng chủ động nguồn giống
Anh Hùng nhớ lại: “Khi qua Thái Lan, thấy cách làm trang trại chăn nuôi gia cầm của họ tôi rất thích. Thế là dù tiền công ít, tôi cũng xin vào làm cho bằng được. Mình phải làm mới tích góp được kinh nghiệm, lương có thể thấp nhưng đó là những kinh nghiệm nếu có tiền cũng chưa chắc học được”.
Vất vả tại trang trại nơi xứ người, vốn liếng tích cóp cũng kha khá, anh Hùng tự tin lập nghiệp. Về Việt Nam, năm 2009, anh bắt đầu xây dựng cơ ngơi tại Bình Thành. Chẳng ngờ ngay từ lứa nuôi đầu tiên, bao nhiêu công sức, tiền bạc của anh “tan thành mây khói”.
Người đàn ông sinh năm 1967 nhớ lại: “Tôi mua về 10.000 con chim cút để nuôi, ai ngờ chim chết đến quá nửa. 200 triệu đồng tiền vốn liếng đầu tư chuồng trại, con giống, thức ăn lần lượt đội nón ra đi…”.
Đó là quãng thời gian u ám nhất của Hùng. Tưởng anh sẽ bỏ cuộc, lại khăn gói bươn chải phương xa, nhưng anh đã không nản chí. Nhận thấy chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, anh thay đổi cách chăm sóc (thì ra, môi trường nuôi của địa phương khác trang trại nơi anh từng làm việc, anh phải cải tiến để “o bế” đàn chim cút).
Tằn tiện sinh sống qua ngày, chăm chim cút như trông con mọn, không phụ công người, sau 45 ngày nuôi, lứa chim sống sót bắt đầu cho trứng. Cầm thành quả trên tay, anh Hùng mừng rơn, công sức bao ngày cuối cùng cũng được đền đáp.
Không dừng lại ở nuôi chim cút, anh mở rộng sang nuôi các loài mới, nào chim trĩ đỏ, vịt trời, ngan và gà thả vườn. Năm 2015, giai đoạn thịt vịt trời “lên ngôi”, anh ra tận Bắc Giang, bỏ ra 70 triệu đồng mua bằng được 200 con vịt trời bố mẹ.
“Lúc ấy ai cũng bảo tôi liều, “rước” vịt với giá trên trời về nuôi”, anh Hùng cười nhớ lại. Thế nhưng nhờ đàn vịt trời ấy, anh Hùng đã kiếm được bộn tiền. “Giá vịt trời khi đó rất đắt, trung bình vịt thịt là 250 nghìn đồng/con. Khi lên đến đỉnh điểm, đàn vịt trời dao động tầm 2.000 con, mang lại thu nhập cao. Chưa kể mình bán trứng và cung cấp giống, nguồn thu nhân lên”, anh nói.
Vẫn chưa hài lòng, mong muốn tận dụng lợi thế, tiết kiệm chi phí, anh Hùng dốc vốn, mua về máy ấp trứng, chủ động ngay từ nguồn giống. “Khoe” với chúng tôi chiếc máy ấp trứng Nhật Bản, mỗi lần có thể ấp 10.000 trứng gà, anh hồ hởi: “Không riêng máy ni, tôi còn sắm thêm 3 chiếc máy ấp trứng nữa, kịp đáp ứng lúc thị trường giống gia cầm khan hiếm”.
Hiện nay, trang trại của anh Hùng đang nuôi 3.000 con chim cút đẻ, hàng trăm con ngan, gà thả vườn. Vào lúc cao điểm, số lượng vịt trời anh nuôi lên đến 500 - 1.000 con. Hàng năm, trừ đi chi phí, việc chăn nuôi gia cầm mang lại cho gia đình anh hơn 150 triệu đồng.
Bà Cao Thị Dậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành, thông tin: “Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Văn Hùng có chu trình khép kín, chủ động từ khâu đầu vào, đầu ra khá ổn định. Đây là mô hình chăn nuôi điển hình ở xã, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương…”.
Theo bà Dậu, thời gian tới, ngoài khuyến khích, định hướng để mô hình phát triển bền vững, Hội Nông dân xã sẽ tạo điều kiện tối đa để các hội viên nông dân tiếp cận mô hình này, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi đa dạng của anh Nguyễn Văn Hùng.