Trên diện tích này, trước đây ông Đường thả cá trên ruộng lúa. Mỗi năm cho thu hoạch 5 tấn lúa và khoảng 1 tấn cá thương phẩm. Trừ chi phí, ông lãi ròng khoảng 20 triệu đồng.
>>> Làm giàu từ mô hình nuôi sò huyết trong ao tôm
>>> Rửa mặn trong canh tác lúa, tôm
Tuy nhiên, không bằng lòng với hiệu quả kinh tế hiện tại, năm 2015, ông Hải đã tự học hỏi và mua giống tôm càng xanh về thả trên ruộng lúa. Hai năm đầu, do chưa hiểu đặc tính con tôm và thiếu kinh nghiệm, lãi ròng chưa đến 50 triệu đồng.
Đầu năm 2017, ông được tham gia các buổi tập huấn chương trình nuôi tôm trong ruộng lúa và trực tiếp đi tham qua nhiều mô hình. Vì thế, khi triển khai nuôi đã cho hiệu quả kinh tế vượt trội.
“Sau khi được tập huấn, tôi ra Ninh Bình lấy 4,5 vạn con tôm giống về thả. Chăm sóc đúng quy trình, đến nay tôm đã bắt đầu cho thu hoạch, ước tính đạt 1,5 tấn. Với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg cho thu trên 300 triệu đồng, lãi ròng ít nhất 250 triệu”, ông Hải phấn khởi.
Theo hướng dẫn, chuẩn bị bước vào vụ hè thu, ông xử lý ruộng nuôi bằng vôi bột với lượng 70kg vôi/sào (500m2) đối với diện tích vùng ương dèo tôm (chuôm nuôi). Diện tích còn lại dùng để gieo trồng lúa xử lý 20kg vôi/sào. Một tuần sau, chuôm nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học, 3 ngày sau cho tôm vào nuôi khi mực nước tối thiểu đạt 80cm. Lượng nước trong ruộng nuôi được điều chỉnh tăng lên theo quá trình phát triển của lúa. Tôm nuôi được cho thức ăn theo đúng liều lượng hướng dẫn. Khi lượng nước đã đầy ruộng nuôi, com tôm sẽ tự tìm thức ăn, vì thế chi phí thức ăn giảm dần.
Trong chu kỳ nuôi, mỗi tháng 1 lần, ruộng nuôi được xử lý bằng nước vôi bột theo tỷ lệ 3kg/sào và chế phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau 4 tháng nuôi, tôm bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, theo ông Hải, giống tôm càng xanh đắt (700 đồng/con) nên phải chọn thời điểm con tôm đạt trọng lượng trung bình 20 - 25 con thu hoạch thì mới đem lại lợi nhuận cao nhất. Qua 3 năm nuôi tôm trong ruộng lúa, ông Hải chưa từng thấy xuất hiện dịch bệnh trên lúa cũng như con tôm nên không phải dùng bất kỳ loại thuốc BVTV nào nhưng lúa vẫn đạt năng suất cao.
Theo ông Hải, đối tượng hại tôm là cá lóc và rong rêu. Để xử lý, ông tạo ra các ổ để tôm ẩn nấp bằng cành cây; thường xuên vớt rong rêu trên ruộng.
“Con tôm càng xanh nuôi quảng canh hầu như không có dịch bệnh. Khi thu hoạch lúa xong, ruộng được cho nước vào đầy, tôm sẽ tự tìm thức ăn, hầu như không phải cho thức ăn công nghiệp nên tôm thơm ngon, chắc thịt. Tôm đạt trọng lượng 20 - 25 con thu hoạch sẽ có giá trên 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thị trường hiện nay chưa rộng mở nên thường tôi phải thu hoạch rải vụ, chờ đến vụ hè thu mới trồng lúa và thả tôm. Nếu có thị trường ổn định hoàn toàn có thể trồng hai vụ lúa, thả 2 vụ tôm, hiệu quả kinh tế sẽ còn cao hơn rất nhiều”.
Ông Hải cho biết thêm, tỷ lệ tôm nuôi sống đến thời điểm thu hoạch hiện nay trong ruộng lúa của ông chỉ đạt trên 50% vì nhiều lý do như bờ ruộng chưa được gia cố, nguồn nước chưa thực sự đảm bảo.
“Bờ ruộng chưa được gia cố khiến cá lóc và rắn xuất hiện trong nên tỷ lệ hao hụt nhiều, hiệu quả chưa cao. Khi đầu ra ổn định, tôi sẽ củng cố lại ruộng nuôi, tỷ lệ sống cao hơn tất nhiên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”, ông Hải cho biết.
Thường vào tháng 11 hàng năm, ông Hải sẽ bắt đầu xuất bán tôm thương phẩm và kéo dài đến cuối vụ xuân. Bắt đầu vụ hè thu sẽ tiếp tục xử lý ruộng nuôi để gieo trồng lúa và thả tôm giống.
Ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cho biết: “Ngoài Thanh Chương, chúng tôi còn triển khai một số mô hình "con tôm ôm cây lúa" tại huyện Diễn Châu. Mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế rõ nét, lúa năng suất cao, tôm phát triển tốt, chất lượng thơm ngon. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng mô hình tại một số địa phương khác”.