Nắm bí quyết nuôi loài chim cụ kỵ của giống vịt nhà, ông nông dân tỉnh Long An giàu lên trông thấy

Thứ 4, 29/11/2023 | 10:04 GMT+7

Trồng lúa triền miên mà vẫn không dôi dư, ông Lê Thanh Tùng, khu phố Gò Thuyền, thị trấn Tân Hưng, (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) bèn chuyển sang nuôi le le để mỗi năm đút túi hàng trăm triệu đồng.

Hiện, ông Lê Thanh Tùng có trại nuôi le le rộng hơn 1ha, với khoảng 2.000 con giống bố mẹ ở khu phố Gò Thuyền, thị trấn Tân Hưng, (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An).

lele1

Ông Lê Thanh Tùng (khu phố Gò Thuyền, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) trong trại nuôi le le sinh sản. Gia đình ông Tùng khá giả hẳn lên nhờ mô hình nuôi le le-loài chim được xem là "tổ tiên" của loài vịt nhà. Ảnh: T.Đ

Bí quyết nuôi le le sinh sản

Người dân Đồng Tháp Mười không thể không biết con le le. Có lẽ, trước khi Pháp đặt tên cho Đồng Tháp Mười ngày nay là "Đồng cỏ lác", vào thế kỷ 18, thì con le le đã sống mòn cánh ở đây rồi.

Thực tế, ở Đồng Tháp Mười, một khu vực rộng lớn với những đồng cỏ hoang vu và nhiều lung bàu, le le sống thành đàn. Bà con Đồng Tháp Mười, một thời truyền tai nhau câu ca: "Thương chồng nấu cháo le le/Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen".

Con le le ở đây quen thuộc với dân Đồng Tháp Mười như thế, nhưng đến khi ông Tùng nuôi con le le làm giàu, bà con nông dân vùng này mới thấy ngạc nhiên.

Hôm chúng tôi đến thăm trại nuôi le le cũng là lúc ông Tùng đang bơi xuồng đi cho đàn le le ăn. Đám le le thấy ông Tùng bơi xuồng đến hóng hớt, kêu la ầm ĩ.

Theo ông Tùng, ông nuôi le le được 5 năm nay. Việc ông Tùng chuyển sang nuôi le le là muốn thoát khỏi cây lúa cho thu nhập "nghèo ổn định".

Ông Tùng thổ lộ, phải lựa chọn, so sánh rất nhiều nghề trước khi đến với nghề nuôi con le le, bởi là dân Đồng Tháp Mười, ông thừa biết loài chim hoang dã này có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, dễ nuôi, và nhất là thị trường ưa chuộng con đặc sản, giá cao…

lele2

Muốn nuôi le le sinh sản thành công, người nuôi cần phải biết phương pháp giữ nhiệt cho le le con. Ảnh: T.Đ

Với suy nghĩ thực tế như vậy, ông Tùng đã đi tìm hiểu mô hình nuôi le le, học hỏi kinh nghiệm những nông dân đi trước. Cuối cùng, ông Tùng vét một ít vốn mua về 30 cặp le le giống bố mẹ khởi nghiệp nuôi le le.

Ông Tùng bộc bạch, khi cho máy đào cái ao trên mảnh ruộng 1ha để nuôi le le ông bỗng bồn chồn. Không phải ông sợ nuôi le le thất bại, mà thương ruộng lúa bao năm sớm hôm cày cuốc, nuôi nấng gia đình.

Theo ông Tùng, đến bây giờ ông nghiệm ra nuôi le le không khó, như nuôi vịt, nhưng thuở ban đầu chọn con đường nuôi le le sinh sản để bán giống khiến ông đôi lúc "lên bờ xuống ruộng".

Mà thực tế, ai mới vào nghề chọn nuôi le le sinh sản để bán giống đều phải gặp cảnh le le con "chết như rạ".

"Nuôi le le khó nhất là khi con mới nở cho đến 10-15 ngày tuổi. Nếu không có kinh nghiệm, le le con chết khá nhiều, chủ yếu là do le le mất thân nhiệt", ông Tùng chia sẻ.

Theo đó, khi le le mới nở phải giữ nhiệt ngay ở mức nhiệt 30-32 độ C. Cho le le con ăn cám công nghiệp, ấu trùng ruồi lính đen, bèo, cám… để mau lớn.

lele3

Trong quá trình nuôi le le sinh sản từ khi mới nở đến xuất bán, thức ăn chính của le le là cám công nghiệp. Ảnh: T.Đ

Đặc tính của le le là ăn trong nước, nên phải cho thức ăn vào nước để le le ăn. Một ngày cho le le con ăn 5-6 lần. Sau khi le le con ăn xong phải đưa ngay vào chuồng để giữ ấm.

Sau khi úm 10-15 ngày, le le con sẽ được đưa ra môi trường tự nhiên để nuôi. Khu vực nuôi phải thiết kế cho le le tiếp xúc với môi trường khô và nước để thuần giống. Lúc này, thức ăn của le le là cám công nghiệp và lúa.

Nếu mùa sinh sản của le le tự nhiên vào tháng 5, thì le le nuôi sẽ vào tháng Giêng. Nên theo ông Tùng, nếu muốn nuôi le le thì mua giống vào đầu mùa sinh sản để đến mùa sau le le đã trưởng thành và bước vào mùa sinh sản.

"Le le mái nuôi khoảng 8 tháng sẽ đẻ trứng. Mỗi lần đẻ từ 8-10 trứng. Nếu dùng lò ấp khoảng 30 ngày là trứng nở", ông Tùng cho biết.

Nuôi le le làm giàu

Theo ông Tùng, lâu nay thị trường le le thịt và le le giống khá ổn định và ở mức cao. Bởi đây là con đặc sản, người tiêu thị khá ưa chuộng.

lele4

Nhờ nuôi le le sinh sản, kinh tế gia đình ông Tùng đã phát triển rõ rệt. Ảnh: T.Đ

Với khoảng 2.000 con bố mẹ, mỗi tháng ông Tùng bán ra khoảng 1.000 con le le giống bố mẹ. Giá le le giống 250.000 – 350.000 đồng/con.

"Từ ngày chuyển sang nuôi le le sinh sản, đời sống kinh tế gia đình tôi khá lên thấy rõ", ông Tùng chia sẻ.

Theo Wikipedia (bách khoa toàn thư mở), le le còn gọi là vịt cổ xanh, loài vịt được biết đến nhiều nhất và dễ nhận ra nhất.

Le le sinh sống khắp các vùng ôn đới và cận nhiệt đới như tại Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, New Zealand (hiện là loài vịt phổ biến nhất tại đây) và Australia. Vịt cổ xanh hay le le được cho là tổ tiên của tất cả các giống vịt nhà.

Thịt le le làm được nhiều món ăn ngon, rất đặc trưng, rất bổ dưỡng, giàu dược tính. Đông y cho rằng, thịt le le có vị ngọt tính bình, không độc, tác dụng ích khí, bổ trung, tiêu thực, ăn uống tích trệ, trúng phong, lở nhiệt, trừ các loại trùng...

Thịt le le rất tốt cho người tỳ thận hư ăn uống kém, sinh lý yếu, mồ hôi trộm lở ngứa lâu lành và các chứng liên quan đến khí huyết hư.

Chia sẻ

Nông dân làm giàu

Nông dân làm giàu


TOP VIEW