Làm giàu từ nuôi cóc

Thứ 2, 26/12/2016 | 09:12 GMT+7

Với người Kinh, con cóc là “cậu ông Trời”. Với nhiều dân tộc khác, cóc là hiện thân của thần Lúa, là bạn của thần Sét... Còn đối với người dân Thọ An - Đan Phượng - Hà Nội, có thể nói, con cóc là đầu cơ nghiệp, là phương tiện để kiếm sống. Và nhắc đến Thọ An ai ai cũng đều nghĩ đó là quê hương của đặc sản… cóc

Thọ An trước là một xã nghèo, nghề chính là nông nghiệp. Đến nay, cuộc sống của người dân nơi đây đã khấm khá hơn rất nhiều... nhờ cóc. Theo những người dân nơi đây, người đầu tiên tìm ra lối thoát khỏi sự nghèo đói nhờ cóc là cụ Lê Văn Quý ở thôn Bách Đồng, Thọ An. Cuộc sống gia đình khó khăn, trẻ con trong nhà còi cọc, ốm yếu.

Làm giàu từ nuôi cóc

Nhận thấy, cánh đồng gần thôn nhiều cóc, cụ bắt cóc về làm ruốc cho các cháu ăn, thấy các cháu lớn khôn, khỏe mạnh... cụ Quý mang thử ruốc cóc rao bán ở Hà Nội và đã thành công... Từ đó, người người trong làng coi cóc là phương tiện để mưu sinh.

Theo những người dân trong làng, cóc không có sẵn ở Thọ An mà được nhập từ miền Trung, qua Bến xe Lương Yên rồi mới về đến đây. Bình quân mỗi tháng có những hộ gia đình nhập từ 13-17 tấn cóc. Vào vụ, có người nhập hàng tấn cóc/ngày. Giá cả và số lượng cóc tùy thuộc vào thời vụ.

Trung bình từ 50.000 đồng - 60.000đồng/kg. Giá bán ra cóc tươi chênh lệch 3.000 đồng/kg so với giá nhập, 700.000đồng/kg cóc đã qua chế biến, 900.000đồng/kg ruốc cóc... với giá cả như vậy, những người dân Thọ An đã làm giàu được từ cóc.

Tuy nhiên, theo những đại gia về cóc” ở đây, để  sống được từ cóc thì đơn giản nhưng để có thể có “của ăn của để” từ cóc thì không phải là điều dễ dàng, phải có nhiều năm lăn lộn cùng cóc... Vì cóc từ khắp nơi đổ về nên để phân biệt đâu là cóc đồng bằng, đâu là cóc rừng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm.

Cóc đồng bằng bao giờ cũng nhiều thịt hơn cóc rừng. Ruốc được làm từ cóc đồng bằng cũng vàng, bông và thơm hơn. Chính vì vậy, cũng cùng số lượng cóc sống như nhau, nếu biết cách chọn và chế biến, có người lãi chỉ được vài chục nghìn, nhưng có người lãi ra được đến cả trăm nghìn đồng.

Vì không được kiểm chứng, chọn lựa từng con nên những người làm nghề đôi khi cũng phải chấp nhận thiệt hại và đương đầu với nhiều tai nạn nghề nghiệp. Trong hàng tấn cóc nhập về có không ít cóc sán (loại cóc dành cho rắn, người không ăn được), mặt khác, cóc gầy đi rất nhanh, nếu số lượng cóc nhập về không được tiêu thụ hết trong 1 ngày thì người dân đành chấp nhận bán cóc cho những người nuôi rắn với giá rẻ hơn rất nhiều.

Ngoài những khó khăn kể trên, người làm nghề  còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn khác như thời tiết, thiên tai cũng như không ít những tin đồn thất thiệt về cóc. Còn nhớ vài năm trước, người ta cho rằng cóc chứa nhiều độc tố, khi chất nhầy bài tiết của chúng dính vào vùng da nhạy cảm như mắt, miệng thì có thể gây ra bỏng rát, sưng phồng, nếu không biết cách chế biến cẩn thận, khi sử dụng có thể nguy hiểm đến tính mạng... những thông tin như thế đã từng làm người dân Thọ An điêu đứng trước nỗi lo “cơm, áo, Gạo, tiền”. 

Những thợ chuyên cóc nơi đây cho biết, đúng là trong con cóc có nhiều độc tố nhưng nếu cẩn thận trong từng khâu mổ xẻ, chế biến thì sẽ không còn bất cứ tác hại gì cho người sử dụng... Và mặc cho những tranh cãi xung quanh chuyện thịt cóc có thực sự nguy hiểm hay không, độ an toàn, bổ dưỡng như thế nào... thì ruốc cóc vẫn là lựa chọn của nhiều gia đình và với dân làng Thọ An, con cóc vẫn đem lại cho làng một nghề độc đáo, cho những gia đình nghèo khó có được cuộc sống khấm khá hơn nhờ số tiền kiếm được từ nghề bán cóc dạo khắp mọi miền đất nước. 

Tìm hướng đi cho... cóc

Anh Mừng, người Thọ An đã hơn 10 năm trong nghề buôn cóc cho biết: “Cứ thấy ai chở sau lưng lồng tre với tấm biển “Bán cóc làm ruốc” thì đều là người đến từ Thọ An. Cạnh tranh ngày càng nhiều, muốn tồn tại, người trong làng phải mang cóc đi bán rong khắp các thành phố, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... đến Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng và xa nhất là tận Vũng Tàu, TP.HCM...”.

Quy trình làm thịt cóc bắt đầu từ chặt đầu, lột da, gột bỏ nội tạng, bóp muối, giấm cho thịt và xương trở nên trắng tinh, sau đó đem hấp, giã nhỏ và cuối cùng là rang thành ruốc. Thịt cóc có thơm ngon, bổ dưỡng hay không là phụ thuộc vào công đoạn sao sấy. Khi sao sấy, phải để lửa nhỏ, sao và chà đều tay, liên tục, như thế thịt cóc sẽ tự bông tơi ra mà không cần phải giã.

Với khoảng nửa số dân trong xã làm nghề “thịt cóc”, Thọ An cũng được coi là một làng nghề nhưng dường như các hộ dân nơi đây vẫn hành nghề một cách tự phát, việc kinh doanh chủ yếu dựa vào mối quan hệ và khả năng “giao tiếp” của từng nhà, trên thực tế những gia đình giàu lên từ cóc cũng không nhiều, họ vẫn phải làm thêm một nghề phụ để kiếm sống... còn việc định hướng phát triển làng nghề ở đây vẫn còn là một khó khăn và những người buôn cóc ở đây vẫn bị coi là những người sát sinh “cậu ông Trời”!

>>> Nông dân làm giàu

Thu Hà - Ngọc Anh

Chia sẻ

Nông dân làm giàu

Nông dân làm giàu


TOP VIEW