>>> Kỹ thuật nuôi cá Chạch lấu thương phẩm trong ao đất
Từng trải qua nhiều nghề, cách đây 2 năm, anh Nguyễn Phúc Mến (sinh năm 1987) nhà ở huyện Châu Thành, đến ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh thuê đất lập trại nuôi cá chạch lấu.
Cá chạch lấu thương phẩm đang được anh Nguyễn Phúc Mến (sinh năm 1987) nhà ở huyện Châu Thành, đến ấp Tân Hòa, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) thu hoạch.
Các hồ nuôi cá của anh được xây nổi trên mặt đất, chứ không đào ao như truyền thống, bởi, anh cho rằng, tuy xây hồ có tốn kém hơn nhưng đảm bảo được chất lượng nuôi.
Anh xây dựng 4 ao để nuôi cá, mỗi ao có chiều cao 1,2m, diện tích 176 mét vuông chứa được 200 khối nước.
“Ở đáy ao, tôi tạo thành hình phễu, lõm ở giữa để khi xoay quạt, ly tâm vô, gom cặn và các chất thải của cá vô giữa, khi muốn vệ sinh ao nuôi, chỉ cần rút ống ở ngoài là các chất dơ đều được hút ra bên ngoài dễ dàng”- anh Mến cho hay.
Anh Mến cho biết, cá chạch lấu có đặc điểm rất hay, khi không có thời điểm xuất bán thích hợp thì cứ để nuôi lớn lên.
Bởi, theo anh Mến cho biết, cá chạch lấu càng lớn nó càng có giá trị kinh tế cao, không phải như các loại cá khác phải xuất bán đúng lứa, đúng thì.
Anh Nguyễn Phúc Mến (trái) giới thiệu mô hình nuôi cá chạch lấu với Hội Nông dân xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh
>>> Xem thêm: Kỹ thuật nuôi ghép cá chạch đồng với cua đồng
Do đó, thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, giãn cách xã hội cả tỉnh trong thời gian dài, anh vẫn an tâm chăm sóc đàn cá của mình.
“Trước khi nuôi, tôi đã đi khảo sát tại các chợ, chưa thấy ai bán loại cá này và cũng chưa có ai nuôi nhiều; có nuôi lại xuất bán cho thương lái lớn, chứ không cung cấp cho thị trường bán lẻ trong tỉnh”- anh nói.
Với vốn kiến thức kinh nghiệm học hỏi từ các trại nuôi cá chạch lấu ở miền Tây, anh tự tin, mạnh dạn thả 28.000 con giống được lấy từ miền Tây ngay trong vụ nuôi đầu tiên.
Nguồn nước đầu vào, anh gửi đi thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm và thực hiện bao lắng xử lý.
Nguồn oxy được anh cung cấp đầy đủ bằng một loạt máy tạo oxy khắp các ao nuôi để cá phát triển đúng mức, không sinh bệnh.
Trong thời gian đầu thả nuôi cá bị bệnh, anh cũng lấy mẫu gửi đi thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm xác định bệnh và điều trị theo phác đồ.
Dần dà, kinh nghiệm tích lũy, anh xác định 2 loại bệnh mà cá thường gặp nhất là ký sinh trùng và nhiễm trùng đường ruột và đã có cách phòng tránh hiệu quả.
Dịch bệnh tuy có ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh tế trong đợt xuất bán đầu tiên của trại nhưng thu nhập từ trại cá của anh được đánh giá là đạt khá cao.
Hiện tại, cả 4 ao cá của anh đều đang được xuất bán với khoảng 7-8 tấn cá.
Đợt xuất bán đầu tiên vào tháng 10 vừa qua, anh đã bán được 2 tấn cá. Theo anh Mến, thông thường nếu nuôi đạt, thì cá có thể được xuất bán sau khi nuôi từ 10 đến 12 tháng.
Giá cá chạch lấu thị trường hiện tại mùa dịch, cá loại 400 gram trở lên, thương lái thu mua 220.000 đồng/kg và mỗi kích cỡ của cá đều có giá khác nhau.
Sau khi trừ chi phí nuôi, trên 1 tấn cá chạch lấu có thể cho người nuôi lợi nhuận tầm 50-70 triệu đồng.
Hiện, các ao nuôi của anh còn cỡ 5 tấn và anh vẫn xuất hàng ngày cho thương lái trong tỉnh và cả các tỉnh Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời giao lẻ cho các chợ, các cơ sở kinh doanh.
Ông Lâm Đặng Nguyên Khang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) cho rằng, đây là mô hình nuôi cá chạch lấu đầu tiên phát triển trên địa bàn xã Tân Bình cũng như trên địa bàn thành phố Tây Ninh, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập khá cao cho người nuôi.
Địa bàn Tân Bình có nguồn nước từ kênh Tây đi ngang rất thuận lợi nuôi thủy sản.
Loại cá đặc sản-cá chạch lấu không lệ thuộc vào thời gian, nuôi cá càng lớn, lợi nhuận càng cao. Ông Khang cho biết sẽ nhân rộng mô hình này để bà con nông dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Theo Dân Việt