> Kỹ thuật nuôi lươn không bùn
> Kỹ thuật nuôi lươn đạt hiệu quả cao
> Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm trong bể bạt
> Thiết kế bể nuôi lươn không bùn theo mô hình mới
Vừa làm vừa chơi
Ở xã Đam B’ri (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng), gia đình ông Đỗ Văn Khang là hộ tiên phong trong việc phát triển mô hình nuôi lươn không bùn và đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông Khang (58 tuổi) quê gốc ở tỉnh Thái Bình. Năm 1990, gia đình ông vào Bảo Lộc xây dựng kinh tế với mô hình trồng dâu, nuôi tằm.
Mô hình nuôi lươn không bùn được gia đình ông Đỗ Văn Khang thực hiện từ cuối năm 2019 và đạt hiệu quả cao. Ảnh: Minh Hậu.
Đến năm 2019, nhận thấy việc nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình trồng dâu, nuôi tằm nên nông dân này đã tìm về các tỉnh miền Tây để tìm hiểu, học hỏi.
Ông kể: “Ngày đó, tôi biết đến mô hình nuôi lươn không bùn thông qua các kênh thông tin báo đài, mạng xã hội. Thấy mới, lạ, đặc biệt ở Bảo Lộc chưa có ai làm nên tôi quyết định tìm hiểu để thực hiện. Hồi đó, một mình một xe ô tô, tôi chạy khắp các tỉnh Long An, Sóc Trăng, TP Cần Thơ… Cứ nơi nào có mô hình nuôi lươn không bùn hiệu quả là tôi tìm đến tham quan, học hỏi”.
Sau những cuộc “phiêu lưu”, ônh Khang nắm trong tay kỹ thuật nuôi lươn không bùn và đến cuối năm 2019 thì quyết định đầu tư xây dựng mô hình trên diện tích 100m2. Ở diện tích này, ông dựng nhà mái tôn, bên trong thiết kế các ô nuôi với diện tích từ 2 đến 6m2 để thả lươn. Các ô nuôi được xây dựng kiên cố bằng tường gạch cao 50cm, mặt trong và nền ô nuôi được tráng xi măng để tránh thất thoát nước. Các hệ thống cấp và thoát nước cho ô nuôi cũng được thiết kế bằng ống, khoá nhựa đơn giản.
Sau 12 tháng nuôi, lươn đạt trọng lượng bình quân 3 con/kg. Ảnh: Minh Hậu.
Sau thời gian phát triển và đạt hiệu quả kinh tế cao, đầu năm 2023, gia đình ông Khang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 2 phân khu nuôi khác với tổng diện tích trên 200m2. Ở 2 phân khu nuôi mới này, ông thiết lập khoảng 20 ô nuôi lươn thương phẩm, lươn bố mẹ và 7 ô nuôi lươn giống.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lươn không bùn, ông Khang cho biết: “Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao và người nuôi không phải bỏ quá nhiều công sức cũng như chi phí. Việc nuôi lươn không bùn đặc biệt phù hợp với những người cao tuổi, đã về hưu bởi nghề này khá nhàn, chỉ cần cho ăn và thay nước. Buổi sáng cho lươn ăn xong, thay nước rồi đóng cửa trang trại đi chơi cờ tướng thoải mái…”.
Theo ông Khang, lươn nhỏ được cho ăn 3 lần/ngày, thay nước 2 lần/ngày, lươn to cho ăn mỗi ngày 1 lần và thay nước 1 lần. Nguồn nước nuôi lươn cần phải đảm bảo sạch sẽ, thức ăn bao gồm trùn quế, cám chăn nuôi nên việc chăm sóc không quá cầu kỳ.
Lươn giống sau khi thả vào bể nuôi trong vòng 3 tháng thì tổ chức chọn lọc và phân tách, chuyển qua ô lớn hơn để nuôi thương phẩm. Khi lươn giống đạt khoảng 200 con/kg, ông Khang sẽ tách, chuyển qua ô nuôi thương phẩm rộng 6m2/ô theo mật độ nhất định. Số lươn này được nuôi tiếp từ 3 - 4 tháng rồi tiếp tục được chọn lọc, tách và chuyển qua ô nuôi mới để đảm bảo mật độ.
Lươn thương phẩm được ông Khang bán cho đầu mối tại TP.HCM và các địa phương lân cận với giá 80.000 - 125.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Hậu.
Lãi 50%
“Sau 12 tháng nuôi, lươn sẽ đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg. Đây là lươn thương phẩm lý tưởng để xuất bán ra thị trường”, ông Khang cho biết. Cũng theo ông, lươn nuôi trong điều kiện nguồn nước và thức ăn được đảm bảo nên ít khi xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, toàn bộ lươn tại trang trại của nông dân này không phải sử dụng thuốc kháng sinh.
“Khi bắt đầu nuôi cần chú ý đảm bảo nguồn nước sạch, nguồn nước đạt độ pH, việc thay nước không thực hiện đột ngột mà phải từ từ và điều chỉnh theo nhiệt độ môi trường. Tốt nhất nên dùng nước giếng đào hoặc giếng khoan và thay vào lúc trời ấm”, ông Khang chia sẻ.
Hiện nay, lươn thương phẩm đang được gia đình ông Khang xuất bán cho các đầu mối tại TP.HCM và các tỉnh lân cận với giá từ 80.000 - 125.000 đồng/kg.
“Với diện tích khu trang trại nuôi 100m2, mỗi năm gia đình cung ứng ra thị trường khoảng 4 - 5 tấn lươn thương phẩm, trừ chi phí lãi khoảng 50%”, ông Khang nói và cho biết hiện các ô nuôi ở 2 phân khu mới đang phát triển tốt, dự kiến xuất bán đầu năm 2024.
Mô hình nuôi lươn không bùn giúp gia đình ông Đỗ Văn Khang có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Minh Hậu.
Ông Khang cho biết, để giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận, hiện gia đình ông tự tổ chức sản xuất lươn giống. Theo đó, ông xây dựng 7 hồ nuôi lươn sinh sản và đang nuôi dưỡng gần 1.000 lươn bố mẹ. Từ đầu năm 2023 đến nay, ông Khang đã sản xuất khoảng 40 nghìn lươn giống, bán với giá từ 4.500 - 5.000 đồng/con.
Theo nongnghiep.vn