Ngày 11/7, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức tọa đàm phát triển du lịch nông nghiệp Đồng Tháp. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Văn hóa, Du lịch Đồng Tháp năm 2019.
>>> Xem thêm: Làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan phát biểu tại tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm có đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cùng gần 200 đại biểu lãnh đạo các sở, ban, ngành, Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, trước xu thế thay đổi nhanh chóng của nền sản xuất nông nghiệp thế giới, để duy trì sản xuất và tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường đòi hỏi người dân phải thay đổi.
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh phân tích, người nông dân hiện nay có 05 cái thiếu, đó là thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật; vốn; vật tư tốt, cây và con giống tốt; thông tin thị trường; liên kết. Để trở thành nông dân chuyên nghiệp, người dân phải hiểu biết sâu về nông nghiệp, biết sử dụng máy móc, biết tin học, hiểu rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể, sản xuất giỏi đồng thời phải kinh doanh giỏi.
Quang cảnh buổi tọa đàm phát triển du lịch nông nghiệp Đồng Tháp
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển du lịch nông nghiệp Đồng Tháp nói riêng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh cam kết sẽ tạo ra môi trường chuyên nghiệp, hỗ trợ người dân thoát khỏi 05 cái thiếu trên để hướng đến sản xuất chuyên nghiệp, hiệu quả.
Ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp đánh giá, du lịch cộng đồng – nông nghiệp là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Nó không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.
Đối với Đồng Tháp, du lịch cộng đồng – nông nghiệp mới hình thành và phát triển từ năm 2016. Tuy xuất phát trễ hơn so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng Đồng Tháp đã đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng sinh thái nông nghiệp và gắn với nông nghiệp công nghệ cao, bước đầu góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa Đồng Tháp.
Trong đó, đầu tiên phải kể đến cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu Đồng Sen Tháp Mười, thời điểm bắt đầu chỉ có 5 hộ dân khai thác loại hình du lịch trải nghiệm: chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen đã thu hút đông đảo khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến đây tham quan và trải nghiệm với mật độ trung bình một tháng các điểm tham quan đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách
Tiếp theo đó là thành công của các hộ dân vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan. Từ khi mở cửa tham quan các vườn quýt, trên địa bàn huyện Lai Vung đã đón và phục vụ 75.000 nghìn lượt khách, tổng doanh thu 24 tỷ đồng.
Mô hình thành công nhất thì phải kể đến “Thành phố hoa của khu vực Nam bộ” ở Sa Đéc với những khu vườn kiểu mẫu, bảo tàng hoa với hàng trăm loài hoa đẹp, lạ… nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài. Đơn cử như năm 2018, lượng khách đến du lịch tại Sa Đéc đạt hơn 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 40 nghìn lượt người…
Ngoài ra, ở Đồng Tháp còn có nhiều điểm du lịch nông nghiệp tiêu biểu như: Làng bột Tân Phú Đông; Homestay Tư Các Linh ở Tam Nông; Làng rau nhút thủy sinh ở Cồn Phú Mỹ; Trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty Ecofarm ở huyện Thanh Bình; Hợp tác xã rau sạch và nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt ở huyện Hồng Ngự; Trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao ở TP Sa Đéc...
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, mặc dù tốc độ tăng trưởng khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ. Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn đơn sơ, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho khách.
Du khách tham quan trải nghiệm du lịch tại vườn quýt Lai Vung, Đồng Tháp
Các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách. Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách nhưng tiếp thu còn hạn chế nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp.
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng, cơ hội, thách thức và tìm giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp thời gian tới.
Để du lịch cộng đồng – nông nghiệp đi vào bài bản, chuyên nghiệp và phát triển bền vững, TS Nguyễn Trọng Minh, cố vấn Dự án VietMekong Farmstays cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa địa phương, từ đó truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin. Cùng với đó là đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quản lý điểm đến.
Đặc biệt, các công ty lữ hành Đồng Tháp và công ty lữ hành trong nước cần xây chương trình du lịch, xây dựng sản phẩm, kết nối tour tuyến, đặc biệt quan tâm bán sản phẩm du lịch của địa phương, bảo vệ tác quyền của các sản phẩm du lịch nông nghiệp của Đồng Tháp, phát huy giá trị sản phẩm du lịch Đồng Tháp theo đúng sứ mệnh của vùng đất Sen hồng.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm cho rằng, xây dựng các sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp phải được đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp sạch, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Gắn du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hoá bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương… nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Giám đốc Công ty Cổ phần nông trại sinh thái Ecofarm cho biết, Ecofarm là một những doanh nghiệp đầu tiên phát triển mô hình sản xuất và dịch vụ theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch trải nghiệm. Ecofarm đã phát triển mô hình này kết hợp nhằm hút khách du lịch trong một trạng thái hứng khởi hơn, tránh được những hạn chế, nhàm chán của một số mô hình trước đây. Đơn cử như du khách đến tham quan trải nghiệm ở Ecofarm được trải nghiệm các hoạt động: thụ phấn hoa, hệ thống cung cấp nước tưới, nuôi ong mật, nhân giống hoa, thu hái dưa, thưởng thức các loại nước ép, ăn các món ăn đặc sản quê hương như cá linh, cá hô, cá he hay như các món rau dân dã như điên điển, bồn bồn, bông súng, ngó sen… Với mô hình này, người dân nói chung hoàn toàn có thể tham khảo và biến tấu để hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp theo điều kiện của từng hộ gia đình, tạo ra những sản phẩm du lịch trong nông nghiệp được đa dạng, phong phú, hấp dẫn và thu hút khách du lịch hơn…/.