Chia sẻ với chúng tôi, một người dân xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, ở xã tôi nhiều người dân không còn thiết tha với ruộng đồng. Vì hiện nay, thu nhập của nông dân trồng lúa rất thấp. Nếu như được mùa, một mẫu lúa thì cũng chỉ thu về được 3, 4 triệu đồng/vụ, với số tiền như vậy không đủ trang trải nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, đó chính là lý do nhiều người đã bỏ đi làm công nhân lao động trong các khu công nghiệp hoặc đi làm thuê, dịch vụ ở đô thị để kiềm nguồn thu nhập cao hơn.
>>> Xem thêm: Phát triển du lịch nông nghiệp Đồng Tháp
Những bất cập như: Trình độ canh tác lạc hậu, sản xuất manh mún, khiến năng suất lao động thấp, thu nhập của người nông dân không ổn định…là nguyên nhân chính khiến nhiều nông dân từ bỏ đồng ruộng. Tuy nhiên, đi ngược lại xu thế trên, nhiều hộ nông dân đã có những đổi mới sáng tạo, tìm ra được những hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.
Hệ thống nhà kính hiện đại của mô hình trồng rau sạch hữu cơ của gia đình chị Đặng Thị Cuối và anh Nguyễn Đăng Quý
Tìm về xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, hỏi về mô hình sản xuất rau sạch hữu cơ công nghệ cao của gia đình chị Đặng Thị Cuối và anh Nguyễn Đăng Quý, ai cũng biết. Với đất ruộng 13 mẫu, những nhà kính mọc lên đã làm thay đổi diện mạo cả khu đất mà trước đó vài năm còn bị hoang hóa do canh tác không hiệu quả.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông quanh năm gắn bó với ruộng đồng, chị Đặng Thị Cuối hiểu được những vất vả của người nông dân. Đầu những năm 2000 chị Cuối đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan và làm việc trong một trung tâm rau sạch theo mô hình của Nhật Bản. Tại đây, chứng kiến hiệu quả của mô hình trồng rau sạch hữu cơ, khiến cho niềm đam mê nông nghiệp của chị lại trỗi dậy, từ đó chị ấp ủ dự định sau này trở về quê hương xây dựng kinh tế từ mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao.
Đam mê nông nghiệp, sau 4 năm chị Cuối đã thuyết phục chồng cùng mình tiếp tục trở lại Đài Loan làm việc cho một trang trại nông nghiệp hơn 8 năm để học hỏi mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Với tinh thần nỗ lực và kiên trì, không ngừng học hỏi, 2 vợ chồng chị mày mò nghiên cứu từng công đoạn trong quy trình sản xuất rau hữu cơ công nghê cao từ làm đất đến đến sử dụng các vi chất để chăm sóc rau đều được vợ chồng chị ghi chép cẩn thận. Hơn chục năm làm rau sạch tại Đài Loan, chị Cuối đã tích lũy được những kinh nghiệm quý giá từ các kỹ thuật chọn giống, thời điểm canh tác, khí hậu thổ nhưỡng, cách trị sâu bệnh.
Khi nghe tin Nhà nước có những chính sách về dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, vợ chồng chị Cuối nhận thấy đây là cơ hội tốt để trở về quê hương thực hiện dự định phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2017, với số vốn tích cóp được trong quá trình lao động tại nước ngoài, vói 3 sào ruộng ban đầu của gia đình dần dần được anh chị mở rộng bằng việc thuê lại diện tích đất canh tác kém hiệu quả của các hộ dân xung quanh. Đến nay trong tay vợ trong chị Cuối đã có trên 13 mẫu đất phục vụ canh tác nông nghiệp công nghệ cao.
Theo chị Cuối, so với canh tác truyền thông chỉ được 3 - 5 tạ/sào thì với cùng diện tích trồng rau công nghệ cao có thể cho năng suất từ 1,5 - 1,6 tấn. Điểm đặc biệt của sản suất hữu cơ công nghệ cao là hạn chế tối đa các tác động của thời tiết, từ đó không bị bó buộc về thời vụ canh tác như trước đây, mà có thể tăng thêm rất nhiều vụ, vụ nào cũng là vụ canh tác chính.
Mô hình trồng rau sạch hữu cơ của gia đình chị Cuối toàn bộ được sử dụng chất liệu tự nhiên như: Đạm cá, đạm giun quế, lạc, đậu tương để ủ làm phân hữu cơ thay thế cho phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật của các mô hình sản xuất truyền thống. Nguồn nước tưới được đảm bảo an toàn xử lý qua 3 bể lọc và được kiểm tra nghiêm ngặt.
Hiện gia đình chị Cuối đang sở hữu 8 mẫu măng tây, 2,5 mẫu hẹ và 3 mẫu rau xanh mang lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng/năm, đồng thời tạo công ăn việc làm cho 14 lao động với lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Theo chị Cuối, quá trình xây dựng mô hình trồng rau sạch hữu cơ trong nước nhiều còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật vật tư chưa phổ biến. Gia đình chị phải lặn lội tìm kiếm trong Nam ngoài Bắc, có khi phải nhập ở nước ngoài về để phục vụ sản xuất.
"Việc chưa có nhiều gia đình thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ công nghệ cao là bởi người dân còn e ngại chi phí đầu tư ban đầu cao, liên kết đầu ra sản phẩm còn khó khăn. Không phải ai cũng hiểu được những lợi ích to lớn khi áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao mang lại như cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là năng suất trồng tăng từ 2 - 3 lần", chị Cuối cho hay.
Tuy nhiên, theo chị Cuối hiện nhu cầu về các sản phẩm sạch hữu cơ ngày càng cao là tín hiệu vui với những người nông dân sản xuất nông sản hữu cơ. Các sản phẩm rau hữu cơ của gia đình chị Cuối được các đơn vị đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định.
Chính vì vậy, mà ngày càng nhiều hộ nông dân tìm đến cơ sở của vợ chồng chị Cuối để học hỏi kinh nghiệm. Anh chị cũng trực tiếp đi dựng nhà giàn và hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhiều hộ dân trong vùng. Đây có thể coi là một hướng đi mới, giúp người nông dân phát triển kinh tế.