1. Bệnh thán thư, nấm
Bệnh thán thư, do nấm olletotrichum gloesporioides gây ra. Bệnh này gây hại cả trên ngọn, lá, hoa và trái. Nấm bệnh xâm nhiễm trên trái thể hiện triệu chứng đầu tiên là những đốm nâu đen trên trái, hơi ướt, sau vết bệnh lan rộng dần và khi bị nặng cả trái bị khô đen và rụng. Triệu chứng bệnh trên lá, có những đốm màu nâu. Đặc trưng của bệnh là những vòng đen đồng tâm, trên vết bệnh có những chấm đen nhỏ là các ổ bào tử. Nhiều vết bệnh liên kết nhau làm lá bị cháy khô từng mãng, ranh giới vết bệnh và phần lá còn lại có đường viền màu nâu đậm. Hoa bị bệnh có màu nâu khô, rụng hoa nhiều.
>>> Xem thêm: Tổng hợp quy trình trồng và chăm sóc Na Thái
Trên chồi non vết bệnh ban đầu có dạng thấm nước, sau chuyển màu nâu tối. Trời nắng cả chồi bị chết khô, trời mưa thì bị thối.Vết bệnh có thể lây xuống dưới làm khô cành.
Nấm phát triển ở nhiệt độ thích hợp 23-25oC. Nấm tồn tại ở dạng bào tử trên tàn dư cây bệnh và trong đất, sau đó phát tán gây bệnh qua mưa gió. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nóng, ẩm độ cao, mưa nhiều.
* Biện pháp phòng trừ
- Không trồng mật độ quá dày: Thường xuyên vệ sinh vườn, tạo vườn cây thông thoáng; tỉa bỏ những bộ phận bị bệnh đem tiêu hủy;
- Bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, tránh bón thừa đạm, ngưng phun phân bón lá khi cây đang bệnh;
- Khi bệnh xuất hiện phun các lọai thuốc gốc đồng như: Kocide, Champion 77WP (20-25g/ 8 lít nước) hoặc sử dụng Antracol 70WP (20-30g/ 8 lít nước), Carbenzim 500FL (10-15ml/ 8 lít nước), Score 250EC ( 8-10ml/ 8 lít nước ), Plant 50WP ( 15-20g/ 8 lít nước),…Trên cây thường có nhiều cở trái lớn, nhỏ do đó khi phun phải chú ý thời gian cách ly để đảm bảo an tòan cho người tiêu dùng.
2. Rệp sáp phấn gây hại
Ngoài bệnh thán thư, mãng cầu ta thường bị rệp sáp phấn gây hại. Rệp sáp phấn Planococcus lilacinus thuộc họ Pseudococcidae, bộ Homoptera. Trưởng thành cái mầu vàng, thon tròn, dài khoảng 2,5- 4,0 mm. Cơ thể phủ đầy chất sáp trắng như phấn. Rệp cái có khả năng đẻ rất sai. Rệp gây hại bằng cách chích hút các bộ phận non như đọt non, hoa và trái non. Rệp thường sống tập trung mật số cao trên các chùm trái trong suốt giai đoạn của trái. Rệp chích hút làm đọt non bị thui chột, hoa và trái non dễ rụng hoặc bị chai không phát triển, phẩm chất trái bị giảm. Ngoài ra, mật ngọt do rệp tiết ra còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển bao kín các bộ phận lá, trái,…làm ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây, cây còi cọc, kém phát triển. Rệp sáp là loài côn trùng đa thực, chúng gây hại trên rất nhiều cây trồng như: chôm chôm,
sapo,…cho nên việc phòng trừ chúng đôi khi gặp khó khăn vì nguồn thức ăn luôn có liên tục trong vườn.
* Biện pháp phòng trừ
Để hạn chế tác hại của rệp sáp cần áp dụng nhiều biện pháp và phải thực hiện đồng thời trên các loại cây ký chủ của rệp trong vườn:
+ Dùng máy bơm nước có áp suất cao, tia nước mạnh xoáy vào những chỗ bị rệp bám sẽ rửa trôi bớt rệp;
+ Trong điều kiện tự nhiên rệp sáp có nhiều thiên địch tấn công, phổ biến nhất là ong ký sinh thuộc giống Anagyrus và các thiên địch ăn mồi như kiến vàng, bọ rùa,…
+ Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh vườn, không trồng mật độ quá dày để tạo thông thoáng vườn cây;
+ Phải thường xuyên kiểm tra vườn nhất là giai đoạn ra hoa, trái non để kịp thời phát hiện rệp sáp khi mật số còn thấp, chưa phát tán rộng dễ xử lý. Một số thuốc hóa học có hiệu quả trên rệp sáp như: Dầu khoáng SK, Supracide 40EC,Confidor 100SL, Pyrinex 20EC,…
Lưu ý: vì rệp sáp có lớp sáp bao phủ bên ngoài nên khi phun phải thật kỹ hoặc có thể pha thêm chất bám dính sẽ đạt hiệu quả cao./.