Cây Chanh leo, chanh dây, mắc mát, mát mát, lạc tiên hoa tía (danh pháp hai phần: Passiflora incarnata), là một loài dây leo sống lâu năm lớn nhanh với thân bò leo. Là một loài trong chi Lạc tiên (Passiflora), chanh leo có các hoa lớn với các nhụy và nhị hoa to. Là một trong số các loài có thân cứng nhất trong chi Lạc tiên. Tuy tên gọi có chữ “chanh”, nhưng nó không có quan hệ họ hàng gì với các loài chanh trong chi Cam chanh (Citrus spp.)
Thân cây có thể trơn nhẵn hoặc có lông tơ, dài, bò leo và có nhiều tua cuốn. Các lá hình chân vịt 3 thùy mọc so le (mọc cách), kích thước 6–15 cm. Chúng có 2 tuyến đặc trưng ở gốc của phiến lá trên cuống lá. Các hoa 5 cánh màu trắng ánh tím tía. Chúng tạo ra một vành hoa màu trắng xen tía, một cấu trúc của các phần phụ giữa các cánh hoa và tràng hoa. Hoa được thụ phấn nhờ một số loài côn trùng như ong nghệ, còn tự nó là vô sinh.
Quả mọng nhiều cùi thịt hình ô van màu ánh vàng khi chín với kích thước cỡ quả trứng gà. Khi còn xanh nó có màu xanh lục. Ở loài chanh leo này, các chất nhầy màu vàng xung quanh các hạt của quả có vị ngọt và ăn được. Tuy nhiên, nó có nhiều hạt và vì thế chủ yếu làm nguồn thức ăn cho động vật hoang dã. Giống như các loài lạc tiên khác, nó là nguồn thức ăn cho ấu trùng của một số loài bướm.
Tại một số khu vực, toàn bộ cây chanh leo tươi hay khô đã từng được sử dụng như là một loại thảo dược làm an thần và điều trị chứng mất ngủ. Lá và thân cây phơi khô, thái nhỏ thường được dùng ở châu Âu để trộn lẫn với lá chè để uống. Một loại kẹo cao su có tác dụng an thần cũng đã từng được sản xuất từ chanh leo. Tại Việt Nam, người ta dùng quả chanh leo để làm một loại đồ uống giải khát trong mùa hè.
Chanh leo mọc thành bụi rậm ở những khu vực bỏ hoang, các bãi chăn thả không được cắt cỏ, ven đường bộ và đường sắt. Nó phát triển tốt trong các khu vực nhiều nắng.
>>> Xem thêm: Thành công từ mô hình trồng chanh leo tại Mộc Châu
I. Yêu cầu khí hậu đất đai:
Cây chanh dây nói chung không kén đất, nhưng tốt nhất là chọn đất thoát nước tốt, không để đọng nước. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, tầng canh tác sâu >50 cm, độ mùn trên 1% và pH 5,5-6. Ở vùng đất bằng phẳng, ấm áp, ẩm ướt, chanh dây phát triển rất tốt.
Chanh dây đòi hỏi khí hậu ấm và ẩm, lượng mưa trung bình từ 1.600mm trở lên, phân bố đều, đặc biệt trong thời kỳ ra hoa ít bị mưa bão. Nhiệt độ thích hợp từ 16 – 30oC, không có sương muối.
Giống quả tím thích hợp vùng á nhiệt đới, cao độ 1000-1200m so mặt biển cho chất lượng quả tốt. Ngược lại giống quả vàng thích hợp vùng nhiệt đới, độ cao <600m.
II. Kỹ thuật trồng
1. Nhân giống:
Hiện nay tại Lâm Đồng chủ yếu sử dụng giống quả tím (Đài nông F1), khả năng tự thụ phấn cao, ít biến dị, có thể nhân giống bằng hạt. Để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, tuyến trùng và khả năng sinh trưởng phát triển người ta dùng giống quả tím ghép lên gốc ghép là giống quả vàng. Giống phải sạch bệnh, cây giống có đỉnh sinh trưởng (ngọn) mập khỏe, bộ rễ rậm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
2. Chuẩn bị đất trồng:
Cây Chanh dây trồng được trên mọi địa hình. Thích hợp với các loại đất thoáng xốp, giàu chất hữu cơ như: Đất thịt nhẹ, đất đỏ Bazan … Đất quá chua hoặc quá kiềm cũng ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triến của cây.
- Làm sạch cỏ dại, cào san cho mặt đất bằng phẳng.
- Trên các địa hình đất dốc nên làm các rãnh thoát nước tránh rửa trôi, xói mòn.
- Đào hố kích thước 60 x 60 x 60cm, bỏ lớp đất mặt 1 bên. Bón vôi 0,5 kg/hố sau đó tiến hành bón lót phân chuồng 10-15kg + 0,5 kg lân/hố. Trộn đều với lớp đất mặt.
3. Mật độ khoảng cách trồng chanh leo
Tùy theo điều kiện đất đai và khả năng thâm canh, có thể trồng các mật độ: 400 – 600 cây/ha
4. Làm giàn cho cây chanh leo
Do là loài cây leo nên cần làm giàn. Có thể làm theo kiểu giàn mướp hoặc kiểu chữ T. Giàn kiểu chữ T chanh dây phát triển tốt hơn do ánh sáng tiếp xúc bề mặt tán lớn, hạn chế nấm bệnh. Nên làm giàn cao 1,8-2m với các trụ tre, gỗ hoặc bê tông, bên trên căng lưới thép với khoảng cách ô vuông 40 x 40cm cho cây leo.
5. Kỹ thuật trồng chanh leo
- Thời điểm trồng thích hợp nhất là vào giữa và cuối mùa mưa.
- Phân bón lót như phân chuồng hoai, phân vi sinh, phân Đạm, Lân, NPK … theo liều lượng thích hợp trộn đều với lớp đất mặt vào trong hố.
- Dùng dao sắc cắt bầu nilong, đặt cây con xuống giữa hố, lấp đất nhẹ xung quanh gốc. Sau trồng cần tưới nước nhẹ để giữ ẩm (nếu không có mưa).
6. Quy trình bón phân
Áp dụng quy trình bón phân chuyên dùng cho cây Chanh dây của Công ty cổ phần Bình Điền Lâm Đồng
Bón lót: Ngoài số lượng phân chuồng, Lân, Vôi theo tập quán cần bón theo quy trình sau: 1,5 – 2 kg phân Hữu cơ Chanh Dây Đầu trâu + 0,1 – 0,2 kg NPK 15-9-13+TE Đầu trâu chuyên chanh dây/cây.
Bón thúc: Từ khi trồng đến cây con 2 tháng tuổi: Bón: 0,1 – 0,2 kg NPK 15-9-13+TE Đầu trâu chuyên chanh dây / cây cho mỗi lần bón. Tháng bón 2 lần.
7. Chế độ chăm sóc
Tưới nước
Cây chanh dây là loại cây cần độ ẩm cao, lượng nước nhiều và thường xuyên vì vậy thường tưới 2 ngày 1 lần, nhất là vào mùa khô cần tưới lượng nước nhiều hơn sẽ giúp cho cây ra chồi, ra hoa và đậu quả liên tục, yêu cầu nước nhiều ở giai đoạn làm trái và phát triển trái nếu thiếu nước sẽ làm rụng hoa, trái hoặc trái teo lại.
Cắt tỉa, tạo tán
Việc cắt tỉa tạo tán nên làm thường xuyên tạo ra các cành thứ cấp mới phân bố đều trên mặt giàn giúp cho cây ra hoa đậu trái được tốt hơn.
Khi cây đã lên giàn cần tạo hình, tỉa cành thường xuyên, đặc biệt là tỉa bớt lá vào thời kỳ mùa mưa vừa để hạn chế nấm bệnh phát triển gây hại đồng thời nhằm ức chế sinh trưởng, giúp cho cây ra nhiều nụ, đậu nhiều trái.
Việc cắt tỉa được tiến hành thường xuyên. Sau thu hoạch cắt hết tất cả các cành trên mặt giàn đã cho trái. Để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Sau đó cây sẽ ra chồi mới, phân cành cấp 2, 3 và các cành quả. Nếu chanh dây không được đốn tỉa hoàn toàn vào cuối năm, sang năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển, đặc biệt làm hạn chế đến năng suất.
Phòng trừ sâu bệnh
Bệnh hại:
- Chanh dây thường gặp một số bệnh như bệnh đốm nâu (brown spot) là loại bệnh phổ biến nhất, do nấm Alternaria passiflorae gây nên, bệnh ghẻ (scab) do nấm Cladosporium horbarum, bệnh đốm do Septoria gây nên.
Sâu hại:
- Các loại ruồi đục trái Dacus dorsalis, Dacus cucurbitae. Dùng thuốc diệt ruồi SOFRI protein, chỉ cần phun dưới tán mỗi cây một khoảng 30 cm x 30cm cách mặt đất 0,8 – 1,0m, hoặc mật độ ruồi ít thì 1 cây phun 1 cây chừa, sẽ dẫn dụ ruồi ăn và chết.
Khi phun thuốc chú ý tránh thời gian cây nở hoa vào sáng sớm, ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn của hoa.
Cần thăm đồng ruộng thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại kịp thời để phòng trừ có hiệu quả tốt. Nên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp.
8. Thu hoạch và bảo quản
- Thu hoạch nên tiến hành đồng loạt, thu tất cả các trái gần chín và chín hoàn toàn nhằm đạt trọng lượng trái tối đa cho năng suất cao. Thu hoạch tránh làm cho vỏ quả bị trầy xước cơ học làm ảnh hưởng đến mẫu mã và vi sinh vật gây hại xâm nhập vào trong quả.
- Bảo quản nơi thoáng mát, chọn phân loại quả trước khi đóng hộp vận chuyển.