Nhãn xuồng cơm vàng dễ trồng, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc. Hiện vườn nhãn nhà bà Thủy có khoảng 200 gốc cho trái, với năng suất gần 1 tấn/công.
>>> Xem thêm: Kỹ thuật trồng nhãn chín muộn năng suất
Bà Thủy nói: “Trồng nhãn xuồng chỉ cần chăm bón, tưới tiêu đều đặn không phun xịt gì hết, cây vẫn cho trái đều đặn hàng năm, chi phí rải phân bón cho vườn nhãn mỗi năm khoảng 20 triệu đồng”.
Trước đây bà Thủy trồng cam, cây thường nhiễm bệnh vàng lá, khó đậu trái, giá cả bấp bênh thu nhập không cao. Bà lại chuyển sang trồng nhãn long, loại nhãn khi chín thì nhiều nước, người tiêu dùng không chuộng nên giá thấp. Sau đó bà Thủy đã sử dụng mắt ghép của cây nhãn xuồng cơm vàng ghép trên cây nhãn long, tận dụng được ưu điểm của cây nhãn long là thích nghi khí hậu tốt, bộ rễ khỏe, nhờ đó vườn nhãn xuồng ghép cho năng suất cao.
Là hộ dân tiên phong ở ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình trồng nhãn xuồng cơm vàng mà 20 năm nay gia đình bà Thủy có cuộc sống rất thoải mái. “Nhờ cây nhãn xuồng cơm vàng này mà tui mới nuôi nổi ba đứa con đi học đại học. Chỉ thuê 1 người tưới nước, rải phân... còn tui đi chơi tới khi trái chín về hái”, bà Thủy nói vui.
Hộ anh Mai Văn Thương ở ấp Phú Bình, xã Vĩnh Bình cũng trồng 3 công nhãn xuồng cơm vàng mỗi năm thu lãi trên 150 triệu đồng. Anh cho biết: “Nhãn xuồng ít nhiễm sâu bệnh, không phun thuốc BVTV, tuy nhiên do cuống trái dễ rụng nếu có gió lớn, có thể phun thêm thuốc chống rụng trái để cây cho năng suất cao hơn. Bón phân lúc cây ra tượt, để cây cho tượt dài, nhiều nụ thì bón NPK 30-30-0, khi đậu trái thì bón 20-20-15. Quy trình này được tui sử dụng không thay đổi trong suốt nhiều năm canh tác".
Ông Ngô Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Bình cho biết, nhãn xuồng cơm vàng cùng với chôm chôm, bưởi da xanh là một trong ba cây trồng chủ lực quan trọng được địa phương chú trọng khuyến cáo bà con phát triển mạnh. Đặc biệt giống nhãn này không nhiễm bệnh chổi rồng, giá cả luôn ổn định...