Thu nhập tiền tỷ từ nuôi ếch Thái Lan và cá rô đồng lai

Thứ 7, 23/12/2017 | 09:00 GMT+7

Ngoài mô hình nuôi ếch Thái Lan, gia đình ông Thính còn nuôi thêm cá rô đồng lai, mỗi năm tiêu thụ ra thị trường hàng triệu con cá giống và cá thương phẩm, đem lại thu nhập khá.

Có duyên với... ếch

Mở đầu câu chuyện, ông Bùi Thọ Thính (SN 1957, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) không ngần ngại bật mí: “Tổng doanh thu cả năm của gia đình tôi là trên 3 tỷ đồng nhờ con ếch và cá rô đồng lai”. Không những thế, ông còn tự hào mình là người đầu tiên của tỉnh đang nuôi tôm bằng nước ngọt cho hiệu quả cao.

Với ông, có được thành quả như ngày hôm nay, ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Ông Thính bảo, muốn nuôi con gì, trước hết phải tâm huyết với nghề, phải hiểu được đặc tính, tính nết của vật nuôi. Cho ăn lúc nào là cần thiết, cho chơi lúc nào là đúng thời gian, vệ sinh chuồng trại lúc nào là hợp lý… Những thứ đó, ông Thính nhớ như in trong đầu.

>>> Xem thêm: Những "triệu phú nông dân" từ mô hình nuôi ếch

Thu nhập tiền tỷ từ nuôi ếch Thái Lan và cá rô đồng lai

Nói có sách, mách có chứng, ông liền ngồi bật dậy dẫn tôi đi dạo quanh khu trang trại của gia đình. Vừa bắt một con ếch cho tôi xem, ông Thính vừa nói: “Với 15 năm kinh nghiệm nuôi ếch Thái Lan nên tôi hiểu rõ được đặc tính của chúng, thời gian nào cho ăn là thích hợp, thời gian cần vệ sinh chuồng trại…”, ông Thính cười.

Nhớ lại thời gian đầu mới làm trang trại, ông Thính không sao quên hết được những ngày gian khó. Năm 2002, khi có chủ trương chuyển đổi đất hai lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, ông Thính đã mạnh dạn đăng ký và được UBND xã chấp thuận.

Đứng giữa cánh đồng rộng lớn, việc đầu tiên ông Thính nghĩ là làm gì và nuôi con gì để cho phù hợp với thổ nhưỡng, nguồn nước nơi đây. Ở xứ đồng đất chua như thế này, việc chọn loại thủy sản để phát triển kinh tế gia đình là rất khó. Nếu chọn nuôi cá truyền thống như cá trôi, cá trắm hay cá chép sẽ không có lãi, bởi chúng không hợp đất.

Sau vài ngày tìm tòi con giống, ông đã chọn cho mình được loài ếch Thái Lan, một loại thủy sản dễ nuôi, dễ chăm sóc. Ông bắt đầu “chiến dịch” cải tạo ruộng hóa ao theo sự hướng dẫn và tiêu chí của lãnh đạo xã đã vạch ra trước đó.

Đến khi dần hình thành cái “ao” thì lại không phù hợp với tiêu chí nuôi trồng thủy sản, nhất là đối với con ếch; cuối cùng phải cải tạo lại vài lần, tốn kém gần 1 tỷ đồng mới tạm ổn định.

“Do chưa có kinh nghiệm nên gia đình cải tạo theo sự hướng dẫn của lãnh đạo xã. Nhưng cuối cùng lại không phù hợp với tiêu chí nuôi trồng thủy sản, gia đình phải cải tạo lại nhiều lần mới phù hợp. Tốn kém lắm đấy”, ông Thính nhớ lại.  

Thu tiền tỷ

Năm đầu tiên, ông nuôi khoảng 5 nghìn con ếch, đầu ra tiêu thụ đảm bảo nên sang năm thứ hai, gia đình tăng số lượng ếch lên đến 1 vạn con và cứ tăng dần lên theo từng năm.

Tưởng chừng, cuộc đời ông sẽ rẽ sang trang mới với nhiều thắng lợi thì năm 2005 ông bị gục ngã, tốn kém hơn 300 triệu đồng. Hàng vạn con ếch đang thời kỳ phát triển bỗng bị dịch mắt đỏ và chết hết sạch.

Nói về nguyên nhân ếch chết hàng loạt, ông Thính bộc bạch: “Năm đó, gia đình có nuôi thêm đàn vịt và thả ra ao. Vịt ăn và thải phân trực tiếp xuống ao đã làm nguồn nước bị ô nhiễm, do đó ếch bị dịch mắt đỏ và chết trương phình bụng lên mặt nước. Gia đình phải vớt đem đi tiêu hủy, vệ sinh lại ao”.

Không nản chí, ông Thính đã tự đứng dậy để gây dựng lại trang trại. Ông tiếp tục đầu tư 1 vạn con ếch giống về thả. Tạm gác công việc gia đình, ông đi tham quan một số mô hình nuôi ếch ở các tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cũng như cách phòng chống bệnh cho loại thủy sản này.

Với mật độ nuôi 1 vạn con/sào, tuy khá dầy nhưng từ năm 2006 đến nay, trang trại ếch của gia đình ông ít khi xảy ra dịch bệnh. Đàn ếch cứ lớn nhanh như thổi, đẻ trứng rất sai (trung bình 1 con đẻ 4.000 trứng). Và cứ thế, số lượng ếch của gia đình tăng dần lên. Có thời điểm lên đến khoảng 20 vạn con.

Ngoài ếch bán thương phẩm (2 - 3 lứa/năm), ông còn bán ếch giống. Trung bình mỗi năm, gia đình ông bán hơn 30 tấn ếch thương phẩm, trên 70.000 con ếch giống. Với giá bán hiện tại là 42 nghìn đồng/kg ếch thịt; 1.200 đồng/con ếch giống, mỗi năm gia đình ông “đút túi” tiền tỷ.

“So với đối tượng thủy sản khác, ếch Thái Lan rất dễ chăm sóc, đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận cao”, ông Thính khẳng định.

Với 15 năm kinh nghiệm nuôi ếch Thái Lan, ông Thính cho rằng, ếch bố mẹ được chọn phải khỏe mạnh. Nên chọn ếch từ 2 - 3 năm tuổi vì cỡ này ếch cho số lượng trứng nhiều và chất lượng tốt nhất.

Mùa sinh sản của ếch từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch nên chế độ ăn dành cho ếch mẹ rất có hạn. Theo ông Thính, không nên cho ếch mẹ ăn nhiều quá chất đạm, dễ gây béo phì và ít đẻ trứng. Thức ăn cho ếch cũng đơn giản, chủ yếu là cám và cá băm.

Hỏi về kỹ thuật nuôi ếch giống và ếch thịt, ông Thính chia sẻ, nguồn nước phải luôn đảm bảo vệ sinh, nếu không ếch dễ mắc bệnh như ghẻ lở, chướng bụng, gan, thần kinh, đặc biệt là bệnh đau mắt. Nếu ếch mắc phải một trong những bệnh đó thì phải phòng chống bằng thuốc tỏi tự chế, vệ sinh lại môi trường…

Về mùa hè phải có mái chống nắng còn mùa đông nên đưa ếch vào bể để giữ ấm. Hiện tại, thị trường tiêu thụ của ông chủ yếu là Hải Phòng và trong tỉnh.

Chia sẻ

Nông dân làm giàu

Nuôi đuông cọ '1 vốn 9 lời'
Nuôi đuông cọ '1 vốn 9 lời'

609 view | Thứ 4, 15/05/2024 | 10:45 GMT+7

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm
Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

475 view | Thứ 2, 13/05/2024 | 09:30 GMT+7

Kiếm bộn tiền nhờ nuôi con 'chôn trong đất vẫn sống'
Kiếm bộn tiền nhờ nuôi con 'chôn trong đất vẫn sống'

746 view | Thứ 5, 02/05/2024 | 08:23 GMT+7

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa loa kèn
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa loa kèn

10 view | Thứ 2, 14/10/2024 | 08:12 GMT+7

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa liền
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây địa liền

13 view | Thứ 2, 07/10/2024 | 08:43 GMT+7

Các biện pháp phòng bệnh cho cá thời điểm giao mùa
Các biện pháp phòng bệnh cho cá thời điểm giao mùa

111 view | Thứ 2, 30/09/2024 | 09:18 GMT+7


TOP VIEW