Miền Tây đưa thanh long xuống ruộng
Dọc theo các tuyến đường từ thị trấn Tầm Vu, xã Long Trì, xã Dương Xuân Hội…huyện Châu Thành đến huyện Tân Trụ (Long An), chúng tôi ghi nhận cây thanh long trồng mới trên đất lúa khá nhiều.
Từ năm 2013, ông Phạm Văn Tý, xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, đã chuyển 7.000m2 đất lúa sang trồng thanh long ruột đỏ. Ông Tý khẳng định, trồng thanh long lợi nhuận hơn hẳn trồng lúa. Gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác đã tự “quy hoạch” chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long và vẫn đang tiếp diễn đà phát triển loại cây này.
Nhớ lại hơn chục năm trước, cũng trên 1ha đất lúa và hoa màu, ông Trần Văn Năm, xã Long Trì, huyện Châu Thành nai lưng làm ăn nhưng vẫn nghèo. Suy nghĩ mãi, ông mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa sang trồng cây thanh long ruột trắng. “Những vụ đầu tiên giá bấp bênh, đầu ra chưa ổn định nhưng càng về sau trồng thanh long rõ ràng “ăn” hơn so với trồng lúa, màu”, theo ông Năm.
Không chỉ đất lúa, trong những năm qua nông dân còn đang chặt bỏ nhiều vườn cây kém hiệu quả để chuyển sang trồng loại cây “rồng” này. Điều đáng nói, không chỉ diện tích thanh long tăng vọt mà ở huyện Châu Thành (Long An) còn nở rộ nhiều cơ sở, DN làm dịch vụ, kinh doanh và sơ chế thanh long XK.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hoàng Huy (xã Dương Xuân Hội) hiện đang mở rộng nhà kho, xây dựng thêm kho mát sơ chế và bảo quản thanh long XK. Cách đó không xa, nhà máy xử lý hơi nhiệt nông sản (bằng hơi nước) của Công ty TNHH Hoàng Phát ngay trung tâm thị trấn Tầm Vu cũng đã đưa vào hoạt động, là động lực để nông dân có thêm niềm tin mạnh dạn đầu tư mở rộng cây thanh long.
Ông Nguyễn Văn Hôn, cán bộ UBND thị trấn Tầm Vu khẳng định: “Thực tế mấy năm qua, chưa có loại cây trồng nào đem lại cho nông dân lợi nhuận cao như cây thanh long. Cứ mỗi ha trung bình lợi nhuận từ 300-500 triệu, thậm chí nếu trồng thanh long ruột đỏ, trúng giá lợi nhuận lên đến cả tỷ đồng. Có lẽ vậy mà mấy năm gần đây, người dân quyết bỏ lúa để trồng thanh long”.
>>> Xem thêm: Đưa thanh long Việt Nam thành công sang thị trường Úc
Sở NN-PTNT Long An cho biết, nếu như năm 2010, toàn huyện Châu Thành mới chỉ có khoảng 1.000ha thì đến nay diện tích thanh long đã đạt gần 8.000ha. Trung bình mỗi năm, nông dân bỏ gần 1.000ha lúa để trồng thanh long. Theo kế hoạch, huyện tiếp tục dành đất cho cây thanh long, nâng lên 8.000ha vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện người dân đã “chạy trước” kế hoạch khiến diện tích trồng thanh long đã tới đỉnh.
Tình trạng này cũng xảy ra ở tỉnh Tiền Giang, theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, cây thanh long cũng là một trong những cây được ưu tiên phát triển. Người dân địa phương đang chạy theo “phong trào” đốn bỏ các loại cây ăn trái, rau màu và lúa để ùn ùn chuyển sang trồng thanh long.
Miền Đông - Thanh long thay tiêu, điều, bưởi..
Chẳng riêng miền Tây, hiện nhiều nhà vườn ở miền Đông Nam bộ như các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, nhà vườn cũng đang hang hái chặt bỏ những vườn cây ăn trái “xuống cấp” để chuyển qua trồng cây thanh long.
Ghi nhận tại địa bàn các huyện Trảng Bom, Thống Nhất (Đồng Nai), những ngày gần đây rất nhiều diện tích thanh long ruột đỏ vừa xuống giống trên vườn tiêu, điều, cà phê, bưởi…mới bị đốn bỏ.
Chủ vườn Nguyễn Quốc Hiền, ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất khoe: “Tôi vừa phá bỏ phân nửa diện tích tiêu kém năng suất để trồng 5.000 m2 thanh long ruột đỏ (600 trụ) được hơn một tuần nay, hy vọng chỉ sau 2 năm sẽ thu hoạch. Nếu hiệu quả cao, tôi sẽ phá nốt số vườn còn lại để chuyên canh thanh long ruột đỏ”.
Theo anh Hiền, mặc dù trong vườn có cả tiêu tơ và tiêu cho thu hoạch (cây từ 2- 6 năm) ,nhưng anh vẫn quyết định đốn bỏ để trồng thanh long ruột đỏ. Thậm chí mới đây, khi anh vừa đốn bớt vườn tiêu để trồng bưởi da xanh, nhưng suy tính thấy cây bưởi lâu cho thu hoạch hơn (phải 4 năm, trong khi thanh long chỉ 2 năm), nên anh lại đổi ý nhổ bỏ hết cây bưởi để trồng trụ bê tông xuống giống thanh long...
hực tế, nhiều chủ vườn ở đây dù chưa hề biết kỹ thuật trồng thanh long nhưng họ vẫn bất chấp rủi ro về thị trường hay dịch bệnh, quyết tâm chuyển hướng sang trồng loại cây này vì ham lời.
Tuy nhiên, với anh Huỳnh Thanh Hậu, ở ấp Hưng Thạnh, xã Hưng Lộc, là một trong những người tiên phong trồng cây thanh long ruột đỏ (10ha, khoảng 14.000 trụ) từ năm 2015, nhưng đến nay anh bắt đầu nhận ra rủi ro có thể sẽ xảy ra.
Đứng bên vườn thanh long đang cho trái, anh Hậu tâm sự: “Trồng thanh long không đơn giản, vốn đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng hơn 200 triệu đồng/ha, chưa kể cây thanh long ruột đỏ đòi hỏi kỹ thuật rất cao trong chăm sóc. Chỉ một sơ suất nhỏ trong khâu vuốt tai cho trái cũng có thể bỏ đi cả đợt quả”.
Theo anh Hậu, hiện đầu ra chủ yếu vẫn qua thương lái nhỏ lẻ. Chỉ một số hộ có diện tích lớn, sản lượng nhiều mới bán trực tiếp cho các công ty ở tỉnh Bình Thuận. Do xác định rủi ro sớm muộn sẽ đến nên anh đang trồng xen cây bưởi da xanh vào vườn thanh long để khi thị trường bão hòa anh sẽ tập trung vào cây bưởi.
Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng tổ hợp tác Ngọc Phát (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) cho biết: “Thanh long ruột đỏ của THT hầu hết bán cho thương lái. Giá bán tăng giảm thất thường, nhất là với thanh long sản xuất không theo quy trình. Tuy nhiên, do các hộ thấy giá thanh long chỉ cần từ 10 ngàn đồng/kg trở lên là có lời, nên vẫn ồ ạt chuyển qua trồng thanh long”.
Theo ông Ngọc, nguồn hàng XK thanh long khá dồi dào, nếu nông dân cứ tăng diện tích, chắc chắn sẽ dư thừa. Tuy nhiên, việc ngăn nông dân là không thể, do vậy địa phương nên tăng cường thông tin tuyên truyền về thị trường và tập huấn kỹ thuật, vận động bà con vào THT, HTX để ứng dụng kỹ thuật theo quy trình VietGAP thì mới hy vọng đầu ra ổn định và bền vững…