Mạc Tuấn Hải sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả ở Hà Nội. Bố Hải mất sớm. Mẹ anh gồng gánh nuôi hai chị em ăn học.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, anh về làm cho một công ty nghiên cứu thị trường của Singapore. Tình cờ trong một lần khảo sát dự án của một công ty xe máy về mức sống của người dân ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội), anh được gặp nhiều hộ nông dân chăn nuôi lợn thành công. Tiếp xúc với họ, anh khá bất ngờ vì có những người chỉ học hết lớp 4 nhưng làm trang trại giỏi, thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Sẵn máu kinh doanh, anh quyết định xin rút khỏi dự án đang làm dở và ấp ủ làm trang trại chăn nuôi gà, lợn. Đam mê làm giàu bằng nông nghiệp, chàng trai Hà thành “xách ba lô lên và đi”. Được sự tư vấn từ cô ruột, Hải dừng chân tại xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để bắt đầu hành trình “biến đồi Hoang thành trang trại”.
Thời gian đầu, do kinh nghiệm còn ít nên Hải gặp nhiều khó khăn về quay vòng vốn. Anh tập trung phát triển hệ thống bán sản phẩm online nhưng không hiệu quả. Sản phẩm xuất ra không phù hợp với thị trường. Giống gà Dabaco nếu kéo dài thời gian nuôi sẽ bị nặng cân. Trong khi đó, thị trường ở Hà Nội chuộng gà già, cân nặng vừa phải. Chính vì vậy, sau hơn 1 tháng, Mạc Tuấn Hải xuất toàn bộ gà cho thương lái và chốt lỗ 400 triệu.
Khó khăn không làm chàng kỹ sư cơ khí nhụt chí. Anh tiếp tục đầu tư mạnh vào nuôi gà với số vốn lên đến 2 tỷ đồng. Lần này, Hải chọn gà ri Hải Phòng làm giống chuẩn và thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi. Nhờ đó, chất lượng gà của Hải tốt hơn, được nhiều đại lý và nhà hàng tin dùng.
Theo báo Vietnamnet đưa tin, hiện trang trại của Mạc Tuấn Hải chia thành 3 nhánh kinh doanh gà thịt, gà đẻ, lợn sạch. Tổng đàn ước tính khoảng 7.000 con gà, 2.000 con lợn. Trung bình, mỗi ngày, trang trại xuất ra thị trường khoảng 30-40 con gà, 100 kg thịt lợn. Doanh thu mỗi năm từ trang trại của anh ước đạt 7-8 tỷ đồng. Trừ chi phí thức ăn, giết mổ, vận chuyển, đóng gói, trả nhân viên..., mỗi năm anh thu về 600-700 triệu đồng lợi nhuận.