Từng trồng hơn 1 mẫu quất ở bãi Tứ Liên nhưng ông Mạnh thấy lượng khách mua ngày càng giảm, trong khi những vườn đào, cây cảnh trồng dạng bonsai lại được nhiều người rất thích. Nhận thấy xu hướng chơi cây cảnh Tết ngày một thay đổi, ông Mạnh nảy ý tưởng sẽ Trồng quất bonsai trên những bình lục nhỏ.
Đau đáu về ý định sẽ đưa cây quất lên chậu, nhưng phải hơn một năm mày mò, nghiên cứu, sau khi kết thúc vụ quất Tết năm 2004, ông mới mạnh dạn thực hiện ý tưởng này.
Ông kể lại, hơn một nửa số tiền thu được từ vụ quất năm ấy được dồn hết để mua gốc quất lâu năm và khai thác thêm những cây khỏe đẹp trong vườn để đưa lên chậu trồng thử nghiệm. Hơn 1 tháng sau, gần 100 gốc quất được cất lên trồng chậu. Tuy nhiên, do lần đầu thử nghiệm, kinh nghiệm chưa nhiều nên vườn quất bonsai chết hơn một nửa, tổn thất đến mấy chục triệu đồng.
Sau mỗi lần thất bại, ông Mạnh dần rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho mình. Ông thường xuyên thăm và học hỏi các vườn quất, đào bonsai ở khu vực lân cận. Nhờ sự kiên trì mà theo thời gian, tỷ lệ thành công của vườn quất bonsai cứ thế tăng dần, từ 20% lên đến 40-50%. Theo ông, thành công ở đây không hẳn là cây duy trì phát triển tốt, mà còn phụ thuộc lớn vào dáng dấp của cây như thế nào.
Sau 9 năm vất vả, số tiền vốn đầu tư cho vườn quất bonsai cũng ngày một lớn dần thì tỷ lệ chậu thành công đến 70%. Đặc biệt trong năm nay, tỷ lệ thành công lên đến 90%. Hiện tại, trong tổng số 400 bình quất bonsai ở vườn nhà ông Mạnh thì đến gần 300 gốc có giá trị kinh tế cao. Trung bình, giá mỗi chậu quất bonsai ông Mạnh bán ra thị trường dao động 1-3 triệu đồng. Những chậu quất thế đặc biệt, gốc lâu năm có giá 10 triệu đồng. Trong vườn của ông Mạnh có khoảng 10 chậu giá bán trên 20 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, chậu có giá cao nhất là 27 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư, dự tính vụ Tết năm nay, vườn quất bonsai của ông Mạnh cho thu gần 400 triệu.
T.H