Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp

Khắc phục diện tích lúa sau gieo cấy gặp mưa bão

Hiện nay, diện tích lúa mùa sớm ở một số địa phương cơ bản gieo cấy xong, trà mùa trung đang gieo cấy.

Khắc phục diện tích lúa sau gieo cấy gặp mưa bão

Tuy nhiên, trước áp lực của trận mưa bão vừa qua đã làm thiệt hại đáng kể những diện tích lúa được gieo thẳng, nhất là những ruộng lúa vừa được ném mống hoặc đặt mạ nền. Xin lưu ý bà con một số biện pháp khắc phục sau:

- Cần khẩn trương khơi thông dòng chảy và bơm nước chống úng nội đồng để nước rút càng sớm càng tốt.

- Đối với những diện tích đã gieo cấy trước bão từ 4-5 ngày có thể khắc phục mà không phải gieo cấy lại bằng cách vớt sạch rong rêu để lúa ngoi lên. Dùng thuốc trừ bệnh Validacin hoặc Anvil kết hợp với khoảng 0,5 lạng Kalisunphat (kali trắng)/bình để phun cho lúa non nhằm hạn chế nấm khô vằn có sẵn trong ruộng và vỏ trấu xâm nhập gây hại chết khô cây mạ, đồng thời giúp mạ non được cứng cáp hơn, không bị lả lướt trên mặt nước.

Sau khi phun thuốc phòng bệnh và phân kali trắng cho ruộng từ 3-4 ngày nông dân nên sử dụng một trong số các loại phân bón lá (phân siêu vi lượng hoặc hữu cơ sinh học…) để phun thúc cho lúa nhanh hồi phục thân lá.

Khi lúa gieo thẳng được từ 2,5-3 lá/cây tiến hành bón thúc khoảng 30% tổng lượng đạm và kali kết hợp với dặm tỉa để lúa đẻ nhánh được thuận lợi.

*Chú ý: Nông dân không nên bổ sung đạm u rê cho lúa non lúc này sẽ làm cho thân lá mạ thêm mềm yếu dễ lướt hơn. 

- Nếu lúa non sau bão bị hạn chế phát triển thân lá và có hiện tượng vàng lá, nghẹt rễ thì khẩn trương thay nước cho ruộng và sử dụng vôi tả (20 kg/sào) hoặc các chế phẩm vi sinh xử lý đất như Trichodecma hoặc AT-YTB… kết hợp với sử dụng một số chế phẩm phân bón lá siêu lân hoặc siêu vi lượng để giúp rễ, lá lúa phục hồi nhanh hơn. Khi thấy rễ lúa đâm trắng mới bón đạm và kali để thúc cho lúa đẻ.

- Việc phun thuốc cỏ tiền nảy mầm sau gieo nếu kiểm tra không có tác dụng vì gặp mưa lớn hoặc nông dân chưa kịp xử lý thì chờ khi cây lúa đã được hồi phục nông dân mới tiến hành xử lý cỏ trong ruộng bằng một trong các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sau: Cow 36WP; Sifata 36WP, Fenrim 18.5WP, Fitri 18.5WP, Sunrice 15WDG, Run life 15WDG,...

- Đối với những diện tích lúa vừa gieo xong gặp mưa bão thì nông dân cần khẩn trương thăm ruộng và đánh giá thực tế để mua giống ngâm ủ và gieo lại toàn bộ (hoặc chuẩn bị giống cùng loại) vỗ mạ nền cứng nhằm sau này dặm tỉa có mạ bổ sung.

- Với những diện tích lúa cấy mạ nền cứng thì cần giữ mực nước trong ruộng khoảng 2 cm để cho cây lúa có chỗ dựa và thân lá được tươi. Không nên tháo cạn quá lúa sẽ dễ bị gãy hỏng. Vớt sạch rong rêu để lúa ngóc dễ dàng hơn. Tiếp đó sử dụng phân bón lá siêu lân hoặc siêu vi lượng kết hợp với 0,5 lạng kalisunphat/bình phun cho lúa từ 1-2 lần cách nhau 4-5 ngày để giúp lúa hồi phục nhanh hơn, thân lá ngóc được sớm.

Nếu sau khoảng 1 tuần kiểm tra thấy lúa không đâm rễ trắng được và có nguy cơ bị thối hỏng thì tùy theo mức độ thiệt hại có thể phá bỏ toàn bộ ruộng và gieo cấy lại cho kịp thời vụ hoặc chuẩn bị mạ dự phòng cấy dặm bổ sung.

KS. Trần Thị Liên (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương)

Chia sẻ
MỌI NGƯỜI QUAN TÂM

Cộng đồng Yêu nông nghiệp

Chia sẻ các kinh nghiệm trong Kỹ thuật chăn nuôi, Trồng trọt trực tuyến.

@ Kỹ thuật nuôi trồng