Gia đình chị Lê Thị Thắm, thôn 6 trồng hơn 5 sào nghệ, năng suất đạt 2 tấn. Với giá bán 10 triệu/tấn củ, mỗi sào trồng nghệ cho thu nhập 20 triệu đồng. Cây nghệ được trồng từ tháng 2- 3 dương lịch và sau 9 tháng cho thu hoạch, có đặc tính miễn dịch hoàn toàn đối với mọi loại sâu bệnh, nên suốt trong quá trình sinh trưởng, tuyệt đối không phải sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật.
>>> Xem thêm: Người trồng gừng khốn đốn ôm cục nợ
Hiện nay xã Quỳnh Vinh có hàng trăm hộ tham gia trồng nghệ với diện tích khoảng 35 ha, chủ yếu là nghệ vàng và nghệ đen. Cây nghệ được trồng khắp nơi, từ trong vườn ra ngoài đồng, trên núi và xen canh với một số cây ngắn ngày khác như lạc, ngô. Nghệ trở thành cây trồng chính, có giá trị hàng hóa ngày càng cao giúp xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều nông hộ. Tính ra, 1 ha nghệ ở Quỳnh Vinh thu hoạch đạt 200 triệu đồng.
Hiện toàn xã có trên 50 hộ tham gia chế biến tinh bột nghệ. Trong đó gia đình chị Thắm là cơ sở chế biến nghệ lớn nhất. Vụ này, chị vừa trồng, vừa thu mua hơn 10 tấn nghệ tươi, chế biến được 6 tạ bột nghệ. Để tinh bột nghệ đạt chất lượng, gia đình chị đã đầu tư trên 20 triệu đồng mua máy xay và máy sấy bột nghệ. Giá bán trung bình 350 - 400 nghìn/kg tinh bột, sản phẩm làm ra tiêu thụ mạnh.
Ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh cho biết: Tiềm năng mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng nghệ ở Quỳnh Vinh còn rất lớn. Tuy nhiên ở đây bà con đang trồng tự phát, xã chưa có quy hoạch do chưa tìm được đầu ra ổn định. Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu thị trường và điều kiện tự nhiên của địa phương, xã sẽ quy hoạch vùng chuyên canh để phát triển giống cây này, nhằm tăng thêm thu nhập cho người sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội địa phương”.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc nghệ
Nghệ là loại cây thân ngầm thường trồng để lấy củ nên rất cần đất tơi xốp và có nơi thoát nước.
Đất được cày bừa kĩ và mịn, lên luống khoảng 20 - 25 cm, rộng 1,0 - 1,2 m. Bón khoảng 20 - 25 tấn phân chuồng, 300 - 400 kg super lân cho 1 ha trồng nghệ. Lượng phân nên bón vào từng rãnh luống để tiết kiệm tối đa.
Ta chọn các củ nghệ chất lượng cao, không hư hại và không bị thối. Nếu củ có nhiều nhánh, ta tách các nhánh ra, mỗi nhánh trồng vào 1 hốc. Đất xẻ thành từng rãnh, nếu bón phân theo rãnh sẽ tốt nhất, lấp một lớp đất 2 - 5 cm, đặt củ nghệ lên trên với khoảng cách 20 - 25 cm một củ, hàng cách hàng khoảng 30 - 35 cm.
Sau 20 - 25 ngày, khi nghệ được 5 - 6 lá, ta bón thúc bằng phân kali và vun gốc để củ phát triển tốt nhất. Cây nghệ trồng để lấy củ, nên nếu lá nghệ tốt quá thì nên tỉa các lá ở gốc cây để dưỡng chất tập trung vào gốc nghệ. Chỉ tưới đủ độ ẩm và vun xới cho đất tơi xốp, tạo điều kiện cho nghệ phát triển nhanh.
Ở miền Nam thường trồng nghệ vào tháng 11 - 12 còn ở miền Bắc có thể trồng muộn hơn, và thường thu hoạch rải rác từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Khi thấy cây nghệ không mọc lá non nữa thì lá già đã bắt đầu khô ở mép, ngả vàng nhạt, lúc này ta đào thử một vài gốc nghệ lên, nếu thấy vỏ củ có màu vàng sẫm (da bóng, đầu củ cũng có màu vàng sẫm) thì đã đến lúc thu hoạch.