Mê một loại quả, anh buôn dưa đất Ninh Thuận trở thành chuyên gia “bất đắc dĩ”

Thứ 4, 30/08/2023 | 16:19 GMT+7

Thay vì chỉ tập trung đi thu gom dưa lưới bà con nông dân trồng để chuyển vào các chợ đầu mối trong Sài Gòn, anh Quàng (quê Ninh Thuận) quyết định vừa đi buôn dưa, vừa vay tiền để trồng dưa vì thấy được tiềm năng rất lớn của loại nông sản này.

Về xã Lương Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận), hỏi thăm anh Quàng "dưa lưới" ai ai cũng biết. Bởi anh không chỉ là một thương lái dưa lưới nổi tiếng trong vùng mà gần 1 năm trở lại đây, anh Quàng cũng trở thành một nông dân trồng dưa lưới chính hiệu khi vườn dưa đạt năng suất "khủng" nhà anh trở thành nơi học tập kinh nghiệm của nhiều bà con nông dân.

Gã thương lái mê trồng dưa lưới

Trong cái nóng hầm hập của vùng đất Ninh Thuận, anh Đinh Công Quàng dẫn chúng tôi men theo con đường mòn đầy cát và gió để vào trang trại dưa lưới hơn 7.000m2 của gia đình.

Chốc chốc, đoàn lại phải dừng lại để dụi mắt trước những luồng bụi cát đang quất chan chát vào mặt. Anh Quàng cười bảo, Ninh Thuận có khí hậu nắng dài và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn nên chất lượng quả dưa lưới rất cao, hấp dẫn thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội,…

Anh Đinh Công Quàng đang chăm sóc vườn dưa lưới của gia đình. Ảnh: Quốc Hải

>>> Xem thêm: Về quê nuôi lươn không bùn, chàng trai Thanh Hóa mỗi tháng kiếm 15 triệu

Nghề chính của anh Quàng thực ra là thương lái buôn dưa. Ở huyện Ninh Sơn nghèo khó này, trong cái khắc nghiệt của thời tiết, trái cây các loại lại được ông trời bù lại cho về độ ngon ngọt và dưa lưới cũng là một trong các loại đặc sản của vùng này.

Gần 10 năm nay, anh Quàng cùng vợ đã khởi nghiệp bằng nghề buôn bán dưa các loại và căn nhà của anh trở thành vựa dưa lưới nổi tiếng trong vùng.

"Mỗi tháng, gia đình tôi thu gom dưa lưới từ gần 20 trang trại, nông hộ ở huyện Ninh Sơn và Bác Ái, rồi xuất dưa lưới đi các chợ đầu mối và các cửa hàng trái cây sạch ở Sài Gòn với sản lượng khoảng 60-70 tấn", anh Quàng tính toán.

Thế nhưng, có gắn bó với dưa lưới mới thấy tiềm năng cực lớn của nghề trồng dưa trên vùng đất này. Anh Quàng bảo, mỗi lần xuống vườn của nông dân để cắt dưa (mua dưa tại vườn - PV), anh đều lân la hỏi chuyện về hiệu quả kinh tế, rồi lan sang chuyện kỹ thuật chăm sóc… Anh bị mê mẩn với nghề trồng dưa lưới lúc nào không hay.

Ngoài dưa lưới, anh Đinh Công Quàng cũng đang nghiên cứu giống dưa hoàng kim mới. Ảnh: Quốc Hải

>>> Xem thêm: 9X Ninh Bình nuôi ếch Thái ngồi dày đặc dưới ao, ai xem cũng mê

Gia đình vốn có tới 5ha đất nhưng do trước giờ mải mê với nghề thương lái, đất đai anh đều bỏ hoang hóa. Bây giờ, muốn đầu tư trồng dưa lưới thì phải cải tạo lại, nhưng vấn đề đầu tiên là… "tiền đâu?".

Chạy vạy khắp nơi nhưng vẫn không tìm ra nguồn vốn để đầu tư. "Gì chứ dưa lưới thì chi phí đầu tư ban đầu để làm nhà lưới và các kỹ thuật liên quan lên tới 450 triệu đồng/sào (1.000m2), thế nên nhiều nông dân có đất muốn phát triển nghề này nếu không có vốn thì cũng… bất lực", anh Quàng đúc kết.

Mang tâm lý cầu may lần cuối, anh Quàng đến "gõ cửa" vay vốn tại Agribank chi nhánh huyện Ninh Sơn và bất ngờ được "gật đầu cái rụp".

"Tôi bất ngờ và rất vui mừng khi được ngân hàng này rót cho hơn 1,7 tỷ đồng để đầu tư trang trại dưa lưới. Cộng thêm với nguồn vốn tích góp, tôi đã sử dụng vào xây dựng cơ bản, áp dụng kỹ thuật mới để làm 3 nhà lưới trên diện tích 7.000m2 để bắt tay trồng dưa", anh Quàng nhớ lại.

Trong thời gian chờ thi công nhà lưới, anh Quàng tiếp tục học tập, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thêm về giống dưa lưới được lựa chọn cũng như các công nghệ cần thiết để cho ra trái dưa chất lượng cao nhất.

Khí hậu khô nóng ở Ninh Thuận rất thích hợp cho cây dưa lưới phát triển. Ảnh: Quốc Hải

Vườn dưa của anh đều được trồng trong nhà lưới để phòng tránh được sâu bệnh, áp dụng công nghệ bón phân cũng như tưới nước nhỏ giọt, tất cả quy trình đều được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Đặc biệt, để chủ động nguồn nước tưới cũng như cải thiện chất lượng đất và không khí của nông trại, anh còn cho đào hồ để dự trữ nước và trồng rất nhiều cây xanh xung quanh.

Sau một thời gian vất vả, bỏ nhiều công sức, tiền bạc để theo đuổi đam mê. Vụ mùa đầu tiên, vườn dưa lưới của anh đã cho hưởng những trái ngọt đầu tiên.

"Mùa đầu, tôi thu được khoảng hơn 600 triệu/3 nhà. Sau khi trừ các chi phí, tôi tính toán hưởng mức lãi tới 90 triệu đồng/nhà. Nghĩa là, vụ đầu tiên tôi đã thu được khoản lãi gần 300 triệu đồng", anh chia sẻ.

Nói thêm về cây dưa lưới, anh Quàng cho hay, dưa lưới từ lúc trồng đến khi trái đạt trọng lượng từ 1,4-1,8 kg bắt đầu thu hoạch. Một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 60-70 ngày, có thể sản xuất được 4 vụ/năm. Khí hậu khô nóng ở Ninh Thuận rất thích hợp cho cây dưa lưới phát triển, trái có độ thơm ngon và ngọt thanh.

Hiện, sản phẩm dưa lưới Ninh Thuận được các cửa hàng, siêu thị, chợ đầu mối tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra nên không lo ế.

Thành chuyên gia "bất đắc dĩ"

Nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thương lái buôn dưa, anh Đinh Công Quàng được tiếp xúc và học hỏi, đúc kết kinh nghiệm với nhiều lão nông trồng dưa lưới. Vì vậy, khi quyết định đi trồng dưa, anh cố gắng tổng hợp những kinh nghiệm học được để cho ra những sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất.

"Với tâm huyết tạo ra một sản phẩm chất lượng của mảnh đất nắng và gió Ninh Thuận đưa đến người tiêu dùng, tôi gần như ăn, ngủ ở trại dưa lưới mà bỏ bê cả việc thu mua cho vợ con. Thành quả vụ dưa đầu tiên khiến tôi rất tự hào khi trái có hương vị thơm ngon đặc trưng", anh Quàng chia sẻ.

Càng đặc biệt hơn, nếu như trong khu vực huyện Ninh Sơn, người nông dân trồng dưa lưới mỗi nhà lưới (1.000m2) chỉ cho năng suất khoảng 3,5 tấn, mang lại lợi nhuận khoảng hơn 60 triệu đồng, thì vườn dưa lưới là anh Quàng lại cho năng suất cao hơn hẳn, với lợi nhuận tới 90 triệu đồng/nhà lưới. Vì vậy, anh Quàng trở thành chuyên gia "bất đắc dĩ" khi nhiều người liên tục đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

"Bà con muốn học hỏi kinh nghiệm, có vốn và mong muốn đầu tư, trang trại luôn sẵn sàng chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật trồng và liên kết sản xuất", anh Quàng khẳng định.

Ngoài ra, anh Quàng cũng cho hay, tuy chi phí đầu tư trồng dưa lưới tương đối cao, kỹ thuật trồng khắt khe nhưng giá trị sản phẩm cũng ổn định và đầu ra có sẵn nên sắp tới anh dự định sẽ mở rộng diện tích để cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu của địa phương.

Đánh giá về mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch UBND Huyện Ninh Sơn cho biết, mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Tuy nhiên đây là một tín hiệu tốt về chuyển dịch trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích đất canh tác, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, mở ra triển vọng mới về phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương.

"Tỉnh đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các cá nhân, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm đến cây dưa lưới và thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ trang trại chuyển giao kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết sản xuất dưa lưới với các hộ dân trên địa bàn để giúp bà con phát triển kinh tế", ông Hòa nói thêm.

Chia sẻ

Nông dân làm giàu

Nông dân làm giàu


TOP VIEW