Gấc dễ trồng, dễ tiêu thụ, giá cả ổn định nên ở nhiều địa phương, nhiều nông dân chuyển sang trồng gấc quy mô gia trại đạt hiệu quả cao.
Cánh đồng thẳng cánh cò bay thuộc xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) nằm ven sông Đa Độ, đất đai màu Mỡ bao đời nay trồng lúa. Hai năm nay, ở đây xuất hiện một vùng trồng gấc do anh Vũ Thọ Tiến (thôn Tiền Anh, xã Ngũ Đoan) làm chủ.
Xem thêm: >>> Hiệu quả từ trồng cây gấc: tăng thị lực, cản ung thư
Dẫn chúng tôi tham quan vườn gấc rộng hơn 2ha, anh Tiến chia sẻ: “Tôi vốn là viên chức nhà nước, nhưng thấy ruộng đất quê mình nhiều, phù sa màu mỡ mà bà con lại không còn mặn mà với nghề trồng lúa, nên tôi quyết định đổi nghề làm… nông dân”. Đi tham quan nhiều mô hình sản xuất, anh ấn tượng với mô hình trồng và chế biến gấc của ông Trần Sỹ Quảng (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
Anh Tiến nhận thấy gấc có nhiều đặc tính quý: Quả gấc có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, thị trường rộng lớn, nhất là thị trường ngoài nước, cây gấc lại dễ trồng, thích nghi tốt với nhiều loại đất, địa hình... Phấn khởi, anh về quê, thuê đất ruộng của gần 20 hộ dân, bắt tay xây dựng trang trại trồng gấc.
Cây trồng dễ tính
Cây gấc cần đất đủ ẩm nhưng không chịu được úng nên cần có hệ thống thoát nước tốt. Trang trại lại nằm ở nơi thấp trũng nên anh đào các rãnh sâu để thoát nước dễ dàng khi có mưa lớn. Anh trồng hàng cách hàng 5m, cây cách nhau 1,5m. Chủ nhân cho biết, nhiều người thường trồng 3 cây/hố, các hố cách nhau 3 - 4m. Còn anh chọn cách trồng 1 cây/hố, các hố cách nhau 1,5m, để đến khi cây lớn, loại bỏ những cây đực thì khoảng cách giữa các cây thành 3m là thích hợp.
Trang trại chọn giống gấc lai Ấn Độ vì quả to (trung bình mỗi quả nặng tới 4 - 5kg), ruột màu đỏ tím, hàm lượng dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng. Anh Tiến chọn cách trồng bằng hạt chứ không trồng bằng cành bởi anh phân tích: “Khi được trồng bằng hạt, cây sẽ sai quả hơn, quả to hơn, tuổi thọ cây dài 14 - 15 năm, nhưng cách trồng này không loại được hoàn toàn cây đực, tỷ lệ cây cái chỉ được khoảng 70%. Nếu trồng bằng cành, được 100% cây cái nhưng quả kém hơn, tuổi thọ cây chỉ được 6 - 7 năm. Mà gấc càng nhiều tuổi, gốc gấc càng to thì quả càng sai, năng suất càng cao. Cho nên, nếu trồng gấc diện tích lớn, người ta thường trồng bằng hạt”.
Giàn gấc cao khoảng 2m so với mặt đất, được dựng chắc chắn bằng 1.000 cọc bê tông, bên trên đan lưới bằng dây cáp điện thoại, kích thước mắt lưới 0,4 x 0,4m. Tháng 2, anh bắt đầu trồng cây. Khi gấc leo lên đến giàn thì anh chú ý bắt ngọn lên giàn, giúp cây bám giàn tốt hơn và bắt các ngọn phân tán đều trên giàn. Anh thường xuyên kiểm tra nhánh gấc, thấy những nhánh nào không thể phát triển được nữa thì cắt bỏ. Nếu là cây đực thì cũng đào gốc bỏ đi.
Theo anh Tiến, gấc ít phải tưới, chỉ cần giữ đủ ẩm. Công việc chủ yếu là làm cỏ ở gốc cây và phòng trừ sâu bệnh. Gấc không nhiều loại sâu bệnh, chỉ phổ biến nhất là sâu xanh và cánh cam. Sâu xanh thường ăn lá gấc lúc cây mới lên, còn non. Còn cánh cam thường bay đến ăn lá gấc vào ban đêm, đến sáng chúng lại bay đi. “Có đêm chúng “chén” hết gần 1 sào gấc. Vì thế phải kết hợp phun thuốc trừ và bắt thủ công vào ban đêm. Nếu không bắt thì mấy ngày là cả vườn gấc tả tơi!” – anh Tiến nói.
Trồng xen nhiều loại Rau dưới giàn gấc
Nếu bị “mặn phân” (bón phân quá liều) thì lá cũng lên chậm. Ngoài ra, người trồng còn phải chú ý bệnh nấm gốc và… chuột. Chuột phá cả cây, lá và quả nên phải liên tục diệt chuột bằng các biện pháp thủ công.
Năng suất cao, tiêu thụ tốt
Khoảng tháng 5, 6, gấc bắt đầu ra quả. Đến tháng 10, có thể thu hoạch đến tháng 12. Trang trại gấc của anh Tiến còn trồng xen nhiều loại cây dưới giàn gấc như rau, gừng, giềng, đinh lăng, cà gai leo để tận dụng diện tích đất. “Đặc biệt, cây đinh lăng rất thích hợp trồng dưới giàn gấc vì nhờ có giàn gấc mà đinh lăng không bị sương muối. Nếu trồng đinh lăng bên ngoài, gặp sương muối là cây rụng hết lá, còn mùa hè nắng sẽ làm cháy lá” – chủ trang trại cho hay.
Nhờ Xen canh, trang trại trồng gấc của anh Tiến còn có rau cung cấp cho bếp ăn các khu công nghiệp trên địa bàn với sản lượng 300 - 400kg/ngày.
Thời điểm này, vườn gấc sắp thu hoạch xong. Thu hái xong, khi cây gấc rụng gần hết lá, anh Tiến sẽ cắt dây gấc, để lại đoạn gốc khoảng 0,5m để năm sau cây nảy chồi mới. Từ năm thứ 3 trở đi, cây gấc cho quả ổn định, càng năm sau càng cho nhiều quả. Cứ cắt dây hằng năm, khoảng 10 năm thì gốc gấc có thể to tới 30cm đường kính, mỗi gốc cho 200 quả đạt trọng lượng 4 - 5kg/quả.
Hiện trang trại gấc của anh Tiến không đủ bán. Rất đông khách mua lẻ và thương lái đến đặt hàng. Hiện giá bán lẻ gấc là 15 nghìn đồng/kg, bán buôn 9 - 10 nghìn đồng/kg. Nếu sản lượng nhiều hơn, anh đã có doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu xuất khẩu.