Đầu tư tiền tỉ trồng rau sạch
Cơ duyên đến với rau sạch của Lê Thị Tám cũng khá bất ngờ. Trong lúc tìm hiểu các mô hình canh tác tại nhà để vừa có rau sạch cho gia đình dùng vừa có thêm nông sản để tăng nguồn thu nhập, Tám biết đến mô hình canh tác thủy canh. Sau khi đi một số vùng học hỏi kinh nghiệm và qua internet, tháng 8/2017, được sự đồng ý của UBND huyện Phú Vang, chị bắt tay vào thực hiện mô hình trồng rau thủy canh tại thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng- một bãi bồi thuộc hạ du sông Hương.
>>> Xem thêm: Tiêu chuẩn VietGAP về rau sạch
Vốn đầu tư ban đầu khá lớn, gần 2 tỷ đồng nhưng với quyết tâm, Tám tin tưởng rau sạch sẽ có đầu ra tốt, ổn định.
Khó nhất chính là xây dựng nhà lưới với hệ thống giàn trồng thủy canh hoàn toàn mới mẻ ở Huế, vì thế chị phải thuê một công ty ở TP. Hồ Chí Minh về lắp đặt. Từ diện tích nhỏ thử nghiệm ban đầu, đến nay chị Tám đã có 2.000m2 nhà lưới trồng rau theo phương pháp thủy canh. Vườn của chị chủ yếu trồng các loại rau, quả như: cà chua, cải thìa, xà lách tím, xà xách bó xôi, rau thơm,… mỗi tuần cung ứng cho thị trường hàng trăm ký rau quả sạch.
Tám chia sẻ, rau thủy canh không trồng trên đất nên tiết kiệm tối đa chi phí nhân công vì không phải làm cỏ, xới đất. Hạt giống được ươm trong các giá thể có chứa chất hữu cơ là xơ dừa đã được xử lý nấm bệnh. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả cao nhất khi trồng rau trong các ống nhựa nối thành một hệ thống giàn, bên trong các ống nhựa có chứa dung dịch thủy canh. Do rau trồng trong nhà lưới nên không bị các loại côn trùng gây hại, thu hoạch cũng rất dễ dàng.
Nói về bí quyết trồng rau thủy canh, Tám đúc rút gọn: “Hạt giống và cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong nước là hai yếu tố quan trọng nhất đối với trồng rau thủy canh”. Về hạt giống, chị nhập toàn bộ từ Hà Lan với giá cao gấp hàng chục lần hạt giống trong nước, nhưng bù lại khả năng cho thu hoạch gần như đạt 100%.
“Hạt giống nước ngoài được ưa chuộng bởi đã xử lý mọi mầm bệnh, bên ngoài hạt giống còn được phủ một lớp dinh dưỡng, người trồng chỉ việc thả vào giá thể rồi đặt lên ống thủy canh. Chu kỳ rau phát triển nhanh, từ lúc trồng trong hệ thống thủy canh tới lúc thu hoạch chỉ khoảng 25-30 ngày nên có thể trồng gối đầu các loại rau, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường”- chị Tám nói.
Hướng mở nông sản sạch công nghệ cao
Tiến sĩ Vũ Tuấn Minh, Bộ môn Công nghệ rau hoa quả, Trường đại học Nông lâm Huế cho biết, thủy canh là phương pháp trồng trọt công nghệ cao. Dung dịch thủy canh được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính an toàn cao, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Ứng dụng kỹ thuật này có thể chủ động trong việc cung cấp nước, chất dinh dưỡng, điều chỉnh ánh sáng nên cây trồng phát triển tốt, mang đến nguồn rau tươi ngon, nhiều dinh dưỡng. Một ưu điểm nữa là thủy canh được trồng trong hệ thống nhà lưới, tránh được các tác nhân sâu bệnh, cách ly với mầm bệnh trong đất, không cần sử dụng hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật nên cho nguồn rau sạch, an toàn, có thể ăn tại chỗ.
“Khu vườn trồng rau thủy canh với quy mô lớn của chị Tám được ghi nhận là mô hình thâm canh công nghệ cao đầu tiên ở Thừa Thiên Huế. Đây còn là địa chỉ để sinh viên nông lâm học tập và nghiên cứu”- Tiến sĩ Vũ Tuấn Minh cho biết.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sau khi tham quan mô hình trồng rau thủy canh đã đánh giá cao hướng đi mới và việc đầu tư nhà lưới trồng rau thủy canh của chị Tám.
Ông Vang cho rằng, trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khá mới mẻ đối với người nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng nông thôn hiện nay. Trong thời đại nông nghiệp 4.0 thì mô hình trồng rau thủy canh hoàn toàn mở ra triển vọng về thâm canh rau sạch.
Hiện nguồn rau quả của chị Tám được bán cho các trường học phục vụ bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh. Nguồn rau sạch này còn cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng uy tín trên địa bàn TP. Huế.
Chị Tám cũng đã khai trương siêu thị mini Oganic Thảo Vi tại địa chỉ 15 Lý Thường Kiệt, TP. Huế, giới thiệu và bán lẻ rau an toàn, được người tiêu dùng tin cậy.