1. Bón phân và cho ăn thức ăn tinh
Với ao ương cá bột lên cá hương phải thường xuyên có sinh vật phù du phong phú để làm thức ăn cho cá, màu nước trong ao phải có màu lá chuối non hoặc vỏ hạt đậu xanh, lúc này thực vật phù du đạt 3- 4 triệu tế bào/lít, lượng ôxy hoà tan từ 3 mg O2/lít trở lên.
Chế độ bón phân:
+ Đối với ao đã bón lót sau khi thả cá 4 – 5 ngày phải tiến hành bón phân.
Phân chuồng 1 tuần bón 2 lần, mỗi lần từ 6 – 7 kg/a.
Phân xanh 1 tuần bón 1 lần, mỗi lần từ 10 – 13 kg/a.
Ngoài phân hữu cơ còn phải bón bổ xung phân đạm, phân lân với lượng từ 100 – 200 g/a, theo tỷ lệ 2 : 1 hoặc 1 : 1.
+ Đối với ao không bón lót, sau khi thả cá xong phải tiến hành bón phân gây màu nước ngay. Lượng phân bón bằng lượng phân bón lót ban đầu. Phân chuồng đổ thành vài điểm quanh ao, phân xanh bó thành từng bó đưa xuống bốn góc ao, phân vô cơ phải hoà tan té đều khắp mặt ao.
Thức ăn tinh
Loại thức ăn tinh dùng ở giai đoạn này gồm: lòng đỏ trứng, cháo nghiền, bột gạo xay, bột mì... khi cho ăn thức ăn phải được hoà loãng, té đều xung quanh ao. Lượng thức ăn khoảng 200 – 400 g/a/ngày. Cuối giai đoạn cá hương chúng bắt đầu chuyển sang ăn thức ăn của cá trưởng thành như cá Trắm cỏ bắt đầu ăn bèo tấm, cá Chép bắt đầu chuyển sang ăn động vật đáy.
2. Quản lý ao
Hàng ngày phải thăm ao vào sáng sớm và chiều tối để quan sát hoạt động của cá, màu nước, bệnh cá, địch hại để có biện pháp sử lý kịp thời.
+ Nước trong ao phải thường xuyên có màu là chuối non hoặc vỏ hạt đậu xanh.
+ Vào khoảng 2 – 3 giờ sáng là thời điểm cá hay nổi đầu, vỗ tay thấy cá không lặn chứng tỏ ao thiếu ôxy.
+ Cá bơi lờ đờ, bơi lẻ từng con như vậy có hiện tượng cá mắc bệnh.
+ Diệt địch hại có trong ao như Bọ gạo, Nòng nọc, Bắp cầy và các sinh vật hại cá.
- Phương pháp diệt Bọ gạo
Dùng 4 cây nứa buộc vào nhau để tạo thành khung rộng khoảng 4 – 6 m2. Trong khung đổ dầu hoả để khi bọ gạo nhao lên mặt nước lấy khí trời sẽ đớp phải dầu hoả, sau một thời gian ngắn sẽ chết. Cứ như vậy, sau khoảng 5 – 10 phút ta dịch chuyển khung một lần cho đến hết bề mặt ao.
- Phương pháp diệt Nòng nọc
Hàng ngày vào sáng sớm phải kiểm tra xung quanh bờ ao nếu phát hiện thấy trứng Ếch, Nhái, Cóc xuất hiện dùng vợt cá bột vớt hết trứng lên bờ.
Nếu phát hiện thấy có Nòng nọc trong ao ta dùng lưới cá hương để bắt Nòng nọc, cũng có thể tạo dòng chảy nhẹ để Nòng nọc tập trung lại rồi dùng lưới cá hương kéo thu hoặc dùng vợt vớt bỏ.
- Cho nước mới vào ao
Trong điều kiện diện tích, độ sâu có hạn, cá trong ao lớn dần lên, nên yêu cầu hoạt động không gian cũng lớn lên, nên phải trường xuyên thêm nước mới vào ao. Như vậy sẽ cải thiện môi trường nước trong ao, làm sinh vật phù du phát triển mạnh, kích thích hoạt động của cá, cá tăng trưởng nhanh. Cứ 3 – 5 ngày thêm nước vào ao một lần, mỗi lần 20 – 30 cm. Nếu ương với mật độ dày, trong quá trình ương có thể thay nước 1 – 2 lần, mỗi lần bằng 1/3 lượng nước trong ao.
- Phòng trị bệnh cho cá
Thường xuyên quan sát cá trong ao, nếu thấy cá bơi theo đàn, hoạt động nhanh nhẹn là cá khoẻ. Nếu thấy nhiều con bơi lờ đờ, nổi trên mặt nước, bơi tản mạn, chứng tỏ cá có hiện tượng mắc bệnh. Như vậy, ta bắt cá lên kiểm tra và có biện pháp phòng trị bệnh kịp thời. Đồng thời thay nước, ngừng bón phân và cho ăn.
- Kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá
- Luyện cá
Sau khi ương được 3 tuần cứ 3 – 4 ngày dùng cào đẩy sát đáy ao hoặc dùng trâu đùa luyện. Trước khi xuất bán 3 – 4 ngày dùng lưới kéo cá vào một góc ao sau 10 – 15 phút thả ra để cá quen dần với môi trường nước đục, hàm lượng ôxy thấp, tăng thể chất của cá, làm cho cá rắn chắc trước khi xuất bán.
- San cá
Khi cá đạt 2,5 – 3 cm phải san thưa, san thưa để cá phát triển tốt và giảm tỷ lệ chết trong quá trình ương.
Trước khi san cá 3 – 4 ngày phải đùa luyện như phần trên. Khi san cá phải làm khẩn trương, nhẹ nhàng.
Sau khi san thưa và xuất bán ta lại tát cạn ao, thu toàn bộ cá và lại tẩy trùng bón lót... để tiếp tục cho chu kỳ ương lần tới.
>>> Xem thêm:
- Phòng và trị một số bệnh ở cá chép
- Phòng bệnh cho cá nuôi ao
- Giải pháp kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống của cá giống khi vận chuyển