So với các loài cá nuôi hiện nay, cá mè hoa có các ưu việt sau:
– Cá lớn nhanh hơn cá mè trắng. Cá nuôi ở hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) 3 năm nặng 20kg, lớn nhất 40kg. Nuôi ở ao 1 năm lớn 1,5kg.
– Cá mè hoa có lượng mỡ nhiều (chiếm 12% trọng lượng cá) có thể "tự nó rán nó".
– Cá mè hoa tính hiền lành dễ đánh bắt, lượng trứng nhiều hơn cá mè trắng (cỡ cá mè trắng 10kg có 30 vạn trứng, khi đó cá mè hoa có 1,5 triệu trứng).
>>> Xem thêm: Các kiến thức cơ bản về cá mè vinh
Để tăng sản lượng cá mè hoa nuôi ở ao, hồ, ruộng cần áp dụng một số biện pháp sau đây:
1. Do lượng động vật phù du trong ao luôn ít hơn thực vật phù du, khi cho cá ăn thức ăn nhân tạo như: Cám, bột mì, bột sắn... thì khả năng tranh ăn của cá mè trắng mạnh hơn cá mè hoa nên thường tỷ lệ nuôi giữa mè trắng và mè hoa thường từ 3 – 5/1.
2. Ao nuôi cá mè hoa là chính, 1 năm có thể thả 3 – 4 đợt giống. Trong điều kiện như vậy, để đảm bảo cá mè hoa luôn lớn nhanh hơn cá mè trắng thì phải:
– Nuôi ghép cá mè trắng cỡ nhỏ (50 – 100g/con) với cá mè hoa cỡ lớn (300 – 500g/con).
– Khống chế mật độ và cỡ cá mè trắng (khi cá mè trắng đạt 0,75 – 1kg/con thì thu hoạch ngay) rồi lại thả tiếp cá cỡ nhỏ (số lượng cá thả bằng số lượng cá thu).
Ở các ao, hồ, đầm vùng đồng bằng hay vùng trung du nước có nhiều mầu mỡ thì thả cá mè hoa, trắm cỏ, trôi làm chính, ghép thêm cá mè trắng, cá chép, cá diếc; số lượng cá mè thả chiếm 23 – 33% tổng số lượng cá. Năng suất đạt 1,8 – 3,7 tấn/1 ha, trong đó mè hoa chiếm 20 – 25% năng suất chung.
Ở hồ Cấm Sơn rộng 2600 ha, trước đây mỗi năm thả 80% cá mè hoa giống đã thu được 120 tấn/năm, tới nay vẫn có cá mè hoa nặng 7 – 8kg.
Phát triển nuôi cá mè hoa còn có tác dụng làm sạch ao hồ, góp phần chống ô nhiễm môi trường nước vì cá mè hoa ăn sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ, vi khuẩn là nguồn gốc gây ra mùi hôi thối tại các ao, hồ ở nông thôn.