Thành tỷ phú nông dân ở Mộc Châu nhờ trồng cà chua theo cách...chưa từng có

Thứ 7, 04/11/2023 | 09:51 GMT+7

Mặc cả gia đình hết lời can ngăn, anh Trương Văn Dư (sinh năm 1981, quê Phú Xuyên, Hà Nội) đã nếm trải hết thất bại này đến thất bại khác trước khi trở thành Giám đốc Công ty CP Greenfarm chuyên cung cấp cà chua trái vụ, các loại rau sạch,...với doanh thu lên đến hàng tỷ đồng.

> Nuôi lươn không bùn, vừa làm vừa chơi vẫn ‘ẵm’ hàng trăm triệu đồng

> Loại cá ăn bổ như 'nhân sâm nước' nuôi kiểu công nghệ cao, nông dân Tây Ninh lãi lớn

Thạc sĩ bỏ việc nhà nước lương cao lên cao nguyên làm nông

Nhà Trương Văn Dư có ba anh em. Cả ba đều từng học Đại học Nông nghiệp I. Anh Dư kể: "Đời ông bà, bố mẹ tôi nghèo lắm. Lúc tôi còn nhỏ, cả nhà tôi chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán với mỗi năm hai vụ lúa bấp bênh. Bố tôi là quân nhân, tham gia kháng chiến chống Mỹ, lúc ông trở về mang trên người nhiều vết thương, với việc bị sút giảm hơn 40% sức lao động. Bố không làm được việc gì nặng, mọi lo lắng gia đình chỉ nhờ vào tay mẹ lo liệu".

Cũng vì nhà nghèo, dù học hành khá, nhưng cả ba anh em Trương Văn Dư đều đăng ký dự thi vào trường Đại học Nông nghiệp I. Ra trường, anh trai cả làm việc tại Viện nghiên cứu Rau quả, Dư đi làm ở công ty cổ phần Ngân Sơn chuyên về cây thuốc lá, còn em út làm việc tại Công ty giống cây trồng An Giang. Vừa đi làm, anh thanh niên 8X vừa tranh thủ học để lấy bằng thạc sĩ. Năm 2009, anh thanh niên 28 tuổi nhận tấm bằng thạc sĩ trong niềm tự hào của cả gia đình với một mức lương cao cho một doanh nghiệp nhà nước.

Đúng lúc công việc và sự nghiệp học hành đang thuận buồm, xuôi gió, đùng cái, chàng thanh niên trẻ 28 tuổi quyết định từ bỏ công việc ổn định ở Thủ đô, thông báo với cha mẹ, anh sẽ cùng một số bạn bè lên Mộc Châu, Sơn La thuê đất làm nông nghiệp.

Với suy nghĩ, nếu cứ làm những sản phẩm thông thường, theo cách quen thuộc thì khó mà thành công, anh Trương Văn Dư nghĩ đến ý tưởng trồng cà chua trái vụ.

Quyết định "ngược đời" này của anh Dư khiến gia đình anh không khỏi "sốc". Không thể nào quên được hình ảnh xưa cũ, anh Dư kể: ""Mẹ tôi nhiều lần khóc, khuyên can tôi ở Hà Nội làm việc rồi lập gia đình. Với những người thân của tôi, việc học hành bao nhiêu năm, đang đi làm ổn định, rồi lại tính về vùng đồi núi xa xôi để làm nông nghiệp thực sự là khó chấp nhận. Làm nông mà giầu được thì không ai bỏ tiền, bỏ của chạy về thành phố. Mày gàn dở như thế, thà mày giết chết bố mẹ…". Thương bố mẹ rất nhiều, tuy nhiên, chàng thanh niên 8X này vẫn quyết tâm dứt áo lên đường.

Khi đặt chân tới Mộc Châu, việc đầu tiên anh cùng những người bạn của mình thuê 1,5ha đất để trồng dưa hấu. "Vụ dưa đầu tiên thu hoạch cũng khá ổn nhưng khó khăn, vấn đề mà Dư và bạn bè của mình gặp phải đó là nhu cầu của thị trường không lớn" - anh Dư kể lại.

Dưa hấu vụ đó bán không được giá nên cả nhóm phải chịu lỗ 50 triệu đồng. Cứ thế, từng người bạn của anh Dư dần rời bỏ Mộc Châu trở lại với Hà Nội, chỉ còn mình chàng thạc sĩ kiên trì ở lại. Trên thảo nguyên Mộc Châu mênh mông, chàng trai 8X tự vạch ra con đường đi cho mình, sẽ chuyển hướng trồng những cây khác, thiên về rau, quả phục vụ các bữa ăn gia đình. Anh Dư tâm niệm: "Một ngày, con người ta có thể không ăn thịt cá, nhưng không thể không ăn rau. Nhất định mình sẽ không bị thua cuộc!"

Với suy nghĩ, nếu cứ làm những sản phẩm thông thường, theo cách quen thuộc thì khó mà thành công. Anh nghĩ đến ý tưởng trồng cà chua trái vụ.

Trồng cà chua theo cách…chưa từng có

Theo anh Dư, ở miền Bắc, cà chua phần lớn mới chỉ trồng được một vụ đông. Những cây cà chua thường, luôn có hai "khắc tinh" mà người nông dân nào cũng rất sợ hãi, đó là bệnh héo xanh và bệnh thối rễ vì úng ngập. Anh Dư tự nhủ: Chỉ cần 3 tiêu chí: Cây khỏe mạnh, không nhiễm bệnh và trồng được trái vụ là mình có thể thu được tiền tỷ mỗi năm.

Năm 2010, trong lúc thị trường miền Bắc vẫn phải nhập không ít cà chua từ Trung Quốc hay phải vận chuyển từ Đà Lạt ra với chi phí quá cao, Dư quyết định thuê lại trang trại dưa hấu với giá 60 triệu đồng/ năm, quyết tâm trồng cây cà chua trái mùa.

Nhớ lại lúc đó, với một số vốn ít ỏi của mình, anh Dư chẳng đủ tiền để có được một căn nhà tử tế để ở lại. Một mình anh ở trong một túp lều bé được lập bằng cót ép ở giữa khoảng ruộng rộng đồng "không mông quạnh", xung quanh chẳng có lấy một bóng người. "Tối về ngủ ở một túp lều tranh đúng nghĩa và chỉ có duy nhất một chiếc bóng điện với tiếng dế kêu cả đêm", anh Dư bồi hồi xúc động kể lại. Anh Dư chia sẻ thêm: "Đó là một bãi đất rất rộng mà mình mua lại của chủ đất với giá 2 triệu đồng để họ không dỡ lều đi, coi là cái công làm lên. Hàng đêm dưới ánh sáng le lói duy nhất trong nhà, anh Dư miệt mài nghiên cứu từng trang sách về nông nghiệp, về cách trồng và chăm sóc cây cà chua".

Khi được hỏi có thấy tủi thân không thì anh Dư trả lời: "Cũng thấy tủi thân chứ, mình đang sống giữa một nơi phồn hoa đô thị, công việc ổn định, lương cũng khá mà tự dưng lên đây rồi bạn bè đang làm với mình cũng về lại Hà Nội, hay công nhân đang làm cho mình mà nghỉ phép mấy hôm, tự dưng mình cảm thấy có một mình ở một nơi trống trải như thế. Những lúc ấy mình nhớ lại lời của mẹ: "Tại sao phải lên tận Mộc Châu, từ sướng như thế không muốn lại thích cô đơn một mình ở giữa ruộng, mưa gió rồi sấm chớp thậm chí cả sét giữa đêm khiến chàng trai trẻ giật mình tỉnh giấc, thậm chí, có những đêm mình nghĩ tủi thân mình bật khóc,... thế nhưng, mình không dám gọi điện thoại về nhà..."

Bà Trần Thị Lối (mẹ của anh Trương Văn Dư) nhớ lại: "Dư làm được một thời gian thì tôi cũng lên xem Dư làm ăn thế nào. Lên thấy con ở trong một túp lều nhỏ, đi làm thấy con chỉ nấu đúng một xong cháo đỗ đen để ăn. Lúc đó tôi cứ nghẹn ngào bật khóc thành tiếng, tôi bảo con: Nhà như thế này mà con cũng ở được thì làm sao mẹ ở nhà mà ăn mà ở được...". Đó là những lời tâm sự hết sức cảm xúc của bà Lối mỗi khi nhớ đến quyết định đầy táo bạo của anh Dư - con trai bà.

Thất bại nối tiếp thất bại nhưng càng khó khăn chàng thanh niên 8X lại càng quyết không chịu bỏ cuộc.

Khó khăn, thử thách chưa dừng lại ở việc trồng dưa hấu, đến trồng cà chua trái vụ thì mọi việc không đơn giản như anh Dư nghĩ. Giai đoạn từ tháng 4 đến 6, Mộc Châu thường bị ảnh hưởng gió tây, thời tiết nắng, rất khô và nóng. Do chưa có kinh nghiệm xử lý ánh nắng, nên đợt giống đầu tiên, cà chua anh Dư trồng chết hàng loạt. Anh Dư tiếp tục lỗ vài chục triệu đồng.

Để cứu vãn tình hình, số lượng cà chua giống còn sống, anh Dư nhanh chóng tiền hành triển khai để trồng thương phẩm. Cứ đinh ninh sẽ ra khoảng 2ha cà chua chín mọng đỏ tươi và năm đó sẽ chí ít đem lại được vài trăm triệu tiền lãi. Thế nhưng, trời vẫn tiếp tục thử thách chàng thanh niên trẻ này. Ngay sát thời điểm thu hoạch, những cơn mưa kéo dài đã dập tắt niềm hi vọng vừa mới nhen nhóm của anh Dư.

Anh Dư nhớ lại: "Ngày 5/9 năm đó, trời bắt đầu mưa, mưa liên tục đến tận 15/9, ruộng cà chua của mình đang bị nắng xong lại bị mưa thì quả cà chua bị hút nước nên bị nứt hết ra. Buồn và thất vọng chứ vì đang có triển vọng như thế, nó cũng là nguồn thu nhập chính để mà có nó thì mình mới có vốn để tồn tại và tiếp tục ở lại đất Mộc Châu. Nếu mà mất nó đi thì mình không còn gì để mà bám trụ nữa, chẳng lẽ lại đeo balo trở về nhà và làm một kẻ thất bại, tay trắng lần thứ hai".

"Khi đó, mẹ lên thăm mình ở Mộc Châu, bà vừa đi hái những quả cà chua còn sót lại, vừa khóc. Mình thương mẹ, không dám nói với bà đã lỗ tất cả bao nhiêu tiền. Cũng đã có lúc mình nghĩ, hay trở về Hà Nội, sống cuộc sống làm công, ăn lương. Tuy nhiên, mình đã trải qua không ít đắng cay và tự nhận ra, không có con đường nào thành công mà quá dễ dàng được, nên nhắc mình cứ phải cố gắng" – Chàng trai 8X trải lòng.

Buồn chán và tủi thân, thế nhưng dường như cái giá phải trả quá đắt khiến cho anh Dư không dễ dàng mà bỏ cuộc. Tiếp tục bỏ qua những lời can ngăn của gia đình để về Hà Nội ổn định cuộc sống, anh Dư tiếp tục kiên định bám trụ Mộc Châu với cây cà chua.

Đúng thời điểm đó, Viện Rau quả Việt Nam mới được chuyển giao kỹ thuật lai ghép cà chua lên gốc cà tím từ Trung tâm Phát triển rau củ thế giới. Sau nhiều ngày trăn trở, anh Dư quyết định thử nghiệm mô hình này. Mặc dù chi phí đầu tư cho dự án này là không hề nhỏ và rồi thành công đã dần mỉm cười với chàng trai đầy nghị lực.

Anh Dư nhớ lại: "Đi cấp giống cây cà chua đến các huyện thì bà con nông dân nhận được cây giống tốt, họ nhận đủ thì vui lắm, vui như được một món quà gì đó".

Không chỉ khó khăn về vốn, việc tổ chức, sắp đặt sản xuất ra sao, đầu ra của sản phẩm thế nào là những câu hỏi không dễ. Vay được tiền từ bạn bè, gia đình, Dư bắt tay, xây dựng nhà kính, sản xuất cà chua giống trên diện tích ban đầu 8.000 m2. Không lâu sau đó, anh đã thành công khi ghép được 18.000 cây giống đưa ra thị trường. Dư cho biết: Ngay năm đầu thành công, tôi đã có đủ số tiền để trang trải nợ nần và phần nào thanh toán được số tiền vốn ban đầu bỏ ra.

Giống cà chua mới với những ưu điểm vượt trội bán khá đắt hàng. Trong khi cà chua thường chỉ bán khoảng 10 nghìn đồng/ kg, cà chua giống mới bán với giá gấp đôi. Anh nói: Nếu tính toán kỹ, cà chua của tôi còn đắt hơn cả thịt cá. Trong một ngày, cả gia đình có thể chỉ ăn chưa hết 20 nghìn đồng tiền mua thịt hoặc cá nhưng cũng có thể "tiêu xài" tới 20 nghìn đồng tiền mua cà chua sạch...

Thành công chỉ đến khi ta không bao giờ đầu hàng…

Năm 2011, anh Dư đã xuất bán hơn 1 triệu cây giống ghép và 100 tấn cà chua thương phẩm trái vụ. Năm 2012, Trương Văn Dư quyết định thành lập Công ty CP Greenfarm để mở rộng sản xuất nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất đối với chàng thanh niên này đó chính là những giá trị tinh thần to lớn khi thành quả, công sức của anh đã đến và đem lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Từ trang trại này, mỗi năm cho anh Dư thu nhập gần 4 tỉ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên và hơn 100 lao động thời vụ tại Mộc Châu.

Chàng trai 8X vì mải mê làm ăn và nặng lòng với cây cà chua giống mới nên đến giờ vẫn "phòng không". Mỗi tháng anh tranh thủ một lần lái xe về Hà Nội thăm cha mẹ. Ở Phú Xuyên, ngôi nhà nhỏ ngày nào giờ đã được Dư cất lên khang trang, bề thế. Gia đình anh không còn nghèo khó. Chàng trai 8X chia sẻ: Chiến thắng đói nghèo, với tôi, như là một lời tri ân rất thật của mình với cha mẹ…

Những trái cà chua trái vụ của anh Trương Văn Dư đã chinh phục được nhiều khách hàng khó tính và là nguồn cung không nhỏ cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng trên toàn quốc.

Anh Dư trải lòng: "Làm nông nghiệp hay bất cứ nghề nghiệp gì cũng đừng bao giờ sợ khó khăn gian khổ. Bạn phải cho phép mình không đầu hàng trước số phận. Chỉ cần có sự chăm chỉ, thái độ làm việc nghiêm túc, không ngại khó khăn và có long kiên trì, bạn sẽ thành công".

Dư đang tính đến nhiều phương án để đưa những ruộng cà chua và rau của mình tại Mộc Châu tới khắp vùng miền đất nước, đồng thời xuất khẩu ra nước ngoài. Anh luôn mong muốn khẳng định thương hiệu nông nghiệp Việt Nam với những ưu điểm vượt trội về thổ nhưỡng, nhân lực và cả sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

"Với mình chất lượng sản phẩm chính là cách khẳng định vị thế doanh nghiệp với người tiêu dùng. Vì vậy, mình sẽ xây dựng lòng tin bằng cách làm ăn rất bài bản, nghiêm túc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, làm ra những trái cà chua, những vườn rau thực sự sạch phục vụ người tiêu dùng" - Dư nói.

Anh Dư trải lòng: "Làm nông nghiệp hay bất cứ nghề nghiệp gì cũng đừng bao giờ sợ khó khăn gian khổ. Bạn phải cho phép mình không đầu hàng trước số phận. Chỉ cần có sự chăm chỉ, thái độ làm việc nghiêm túc, không ngại khó khăn và có long kiên trì, bạn sẽ thành công".

Bà Lò Thị Bình - Bí thư Đảng ủy xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: "Trước đây, bà con ở đây có phong tục, tập quán sản xuất nguyên sơ nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi có mô hình trồng cà chua trái vụ của anh Trương Văn Dư đưa lên đây thì anh Dư đã cung cấp giống cây trồng có năng suất cao cho bà con nông dân nơi đây. Từ lúc đi vào sản xuất thì bà con thấy rằng hiệu quả kinh tế đi lên rất cao".

Thành công là gì, đôi khi thật khó để trả lời, nhất là với những người trẻ. Nó có thể là sớm có một việc ổn định lương cao ngay khi ra trường, hay một cuộc sống yên ấm, no đủ không có bất kỳ một thước đo nào để đánh giá, định đoạt nhưng với thạc sỹ Trương Văn Dư thì thành công lớn nhất với anh là đã dám chấp nhận một cuộc hành trình đầy mạo hiểm quăng mình trong những thử thách, đương đầu với những khó khăn để tự mình viết lên những ước mơ của chính mình. Sự yên ả trong không khí của đồng ruộng có thể là sự nhàm chán với nhiều bạn trẻ nhưng với những con người dám chấp nhận và có đam mê như Trương Văn Dư thì thành công sẽ luôn luôn mỉm cười cho dù trên những mảnh đất khô cằn, sỏi đá nhất.

 

(Nguồn: Dân Việt)

Chia sẻ

Nông dân làm giàu

Nông dân làm giàu


TOP VIEW